Theo một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, những ngày gần đây, họ chỉ được nhập xăng dầu với số lượng nhỏ giọt. Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động và khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đại lý bán lẻ không nhập được hàng
Ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk), cho biết rất nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xã Ea Tóh và Dliê Ya của doanh nghiệp này đã đóng cửa do hết xăng dầu.
Đại lý bán lẻ xăng dầu đóng cửa vì không nhập được hàng (Ảnh: Internet) |
Ông Quý cho biết: "Dù giá mua vào cao hơn bán ra, tuy nhiên mấy ngày qua, tôi đã nhiều lần liên hệ với thương nhân phân phối để mua hàng nhưng họ báo hết hàng".
Theo ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc CTCP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), dù chấp nhận mức chiết khấu thấp, doanh nghiệp vẫn không mua được hàng. Nếu tình trạng này kéo dài đến kỳ điều chỉnh giá ngày 28/5, doanh nghiệp có thể đối mặt nguy cơ bị đứt hàng. Thị trường bán lẻ bị rối loạn, người tiêu dùng gặp khó khăn.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp đầu mối, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), khẳng định không có chuyện doanh nghiệp găm hàng để chờ giá xăng dầu lên rồi bán.
Lãnh đạo PVOIL cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi đại lý xăng dầu chỉ được ký hợp đồng mua bán với một đầu mối nhằm đảm bảo vấn đề chất lượng. Tuy nhiên, thực tế vừa qua vẫn có tình trạng rất phổ biến là các đại lý cùng một lúc lấy hàng của nhiều đầu mối khác nhau.
Một đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng khẳng định cung ứng đủ hàng cho các đại lý, tổng đại lý thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex và các đại lý đã ký hợp đồng kinh doanh. Riêng với những nhu cầu phát sinh từ phía đại lý, vị này cho hay sẽ cân nhắc cung ứng sau khi đảm bảo đủ hàng cho hợp đồng sẵn có.
Vấn đề nằm ở đâu?
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết hiện nguồn cung tổng thể xăng dầu vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả nước.
Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Lý giải về hiện tượng trên, ông Đông cho biết với mức chiết khấu thấp, có thể trong thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị đầu mối tăng mạnh chiết khấu có lúc lên tới 3.000 - 4.000 đồng/lít để đẩy hàng đi càng nhiều càng tốt, thu tiền về nhập thêm hàng khi giá thế giới giảm sâu. Vì vậy dẫn tới một vài đơn vị đến nay giảm chiết khấu.
Còn việc các đại lý không nhập được hàng, theo ông Đông, một số đại lý mua của nhiều đầu mối, chỗ nào chiết khấu cao sẽ tăng nhập chứ không tuân thủ quy định chỉ nhập tại một đầu mối để đảm bảo chất lượng. Vì thế, khi giá tăng trở lại, chiết khấu ít đi, họ quay lại nhập thì các doanh nghiệp đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng được đủ hàng cho hệ thống phân phối và các hợp đồng đã ký.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trịnh Quanh Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết nhận được phản ánh của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Hiệp hội đã báo cáo vấn đề lên Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, ông Khanh nhận định vấn đề không phải do thiếu nguồn cung xăng dầu, bởi thực tế các đại lý bán lẻ xăng dầu khi mua xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối đều có các hợp đồng mua bán đi kèm. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải đảm bảo cung cấp đầy đủ theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận.
Về mức chiết khấu thấp, ông Khanh cho biết phụ thuộc vào từng thời điểm, có những thời điểm doanh nghiệp bán lẻ được hưởng 1.000 - 1.500 đồng/lít, giờ là thời điểm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh rất khó khăn, thua lỗ vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Vậy nên các tổng đại lý, đại lý cũng phải chia sẻ với họ.
Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia độc lập, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng vấn đề này bộc lộ rõ bất cập trong cơ chế quản lý thị trường xăng dầu.
"Cơ chế quản lý thị trường xăng dầu chưa vào nề nếp. Có những doanh nghiệp cầm giữ không bán hàng cho doanh nghiệp bán lẻ chính là biểu hiện của việc găm giá, tạo khan hiếm giả tạo. Điều này cho thấy thị trường xăng dầu chưa vận hành theo đúng nghĩa thị trường", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, hiện chúng ta có cơ chế quản lý chống đầu cơ, găm giá, kiểm tra phát hiện được sẽ xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói cơ chế kiểm tra chưa nghiêm, chưa đủ độ răn đe, dẫn đến có quãng thời gian khan hiếm xăng dầu. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Giá xăng dầu đang có xu hướng tăng Theo Bộ Công Thương, dữ liệu giá xăng dầu ở thị trường Singapore đang có xu hướng tăng. Ngày 21/5, giá xăng RON 92 - xăng nền để pha chế xăng E5 là 35,51 USD/thùng, tăng 8,07 USD/thùng so với ngày 13/5 (kỳ điều hành xăng dầu gần nhất). Giá xăng RON 95 ở có mức giá 38,45 USD/thùng, tăng 8,1 USD/thùng so với kỳ trước. Giá dầu hỏa 34,90 USD/thùng, tăng 11,22 USD/thùng; giá dầu diesel 38,98 USD/thùng, tăng 9,37 USD/thùng; giá dầu mazut đạt 202,40 USD/tấn, tăng 55,84 USD/tấn. Nếu đà tăng giá này vẫn tiếp diễn trong một vài ngày tới, dự kiến giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường Việt Nam sẽ được điều chỉnh tăng vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 28/5 sắp tới. |
Lê Thúy