Những ngày này, trong khi ở đất liền, hầu hết mọi người đều ở nhà, tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 16 về việc “cách ly toàn xã hội” để phòng chống dịch Covid-19 thì những ngư dân xứ biển vẫn vươn khơi bám biển, ổn định thu nhập và đem về nguồn lợi thủy hải sản cung cấp cho người dân khắp cả nước. Thời điểm này đang mùa đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm, từ tháng 3 - tháng 8 âm lịch hàng năm là mùa của nhiều loại cá giá trị cao như cá thu, cá ngừ, cá nục, cá chuồn…
Giảm 30-35% chi phí mỗi chuyến đi biển
Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có 2 bến tập kết của các tàu đánh bắt xa bờ: bến Rộc và bến Thịnh Long. Tại bến Rộc, ông Trần Văn Thực, chủ tàu NĐ 0289 xã Hải Lý cho biết, hơn 50 chiếc tàu tại đây đều có công suất 120-150 CV/tàu với tổng số gần 300 lao động. Cứ mỗi tàu do 5-6 anh em góp vốn đóng tàu, đó cũng là số lao động trên tàu. Tàu của ông Thực có công suất 120 CV chuyên đánh bắt cá thu, mỗi chuyến đi biển dài 10 ngày, tiêu thụ hết hơn 1.000 lít dầu. Các năm trước, giá dầu gần 20.000 đồng/lít, riêng tiền nhiên liệu mỗi chuyến đã hết khoảng 20 triệu đồng, cộng với mua 200 cây đá (mỗi cây 25.000 đồng/kg), chi phí mỗi chuyến ra khơi đã lên tới 25 triệu đồng. Hiện, giá dầu giảm mạnh, nên chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển chỉ hết khoảng 12 triệu đồng.
Tỉnh Nam Định có 2.134 tàu thuyền khai thác thủy sản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 6.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng chục nghìn lao động gián tiếp |
Theo lời những ngư dân ở đây, nếu may mắn đi trúng vào vựa cá sẽ thu được 5-10 tấn, trừ chi phí, còn lại chia nhau mỗi anh em được vài triệu, thậm chí mỗi người được chục triệu đồng mỗi chuyến đánh bắt. Thế nhưng lắm khi chỉ được vài tạ, thậm chí mấy chục kg, không đủ bù chi phí, vì vậy nghề đánh bắt xa bờ phụ thuộc rất nhiều vào may rủi, đấy là không kể tới nếu gặp nạn do gió bão thì sạt nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, chủ tàu NĐ 2798 cho hay, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tàu cá của ông hoạt động gần như liên tục. Trong 3 tháng đầu năm nay, tàu của ông đã khai thác được trên 120 tấn cá cơm, cá nục, cá lâm, cá thu, tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng. Với giá dầu hiện tại là 11.000 đồng/lít so với giá dầu trước đây 17.000 đồng/lít thì chỉ riêng tiền dầu đã giảm 6 triệu đồng/chuyến biển. Bên cạnh đó, khi xăng dầu giảm thì những chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu biển, như: nước đá, vận tải, nhu yếu phẩm… cũng sẽ được giảm theo. Điều này giúp mỗi chuyến biển của ngư dân giảm được 30-35% chi phí.
“Trong tình hình dịch bệnh Covid kéo dài như hiện nay, giá cả các loại hải sản đều xuống thấp vì hệ thống nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa. Tuy nhiên, nhờ giá xăng dầu giảm, ngư dân đỡ phần nào chi phí, nên tính ra vẫn có lãi”, ông Ánh nói.
Trên biển, ngư dân cũng ý thức phòng dịch
Cảng cá Ninh Cơ ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) cũng san sát những con tàu từ vài trăm đến hàng nghìn tấn vừa cập bến. Từ bụng những con tàu vừa cập bến sau những ngày lênh đênh trên biển, các loại cá, tôm... nhanh chóng được chuyển lên xe ô tô chở đi tiêu thụ. Quanh đó, những chiếc tàu khẩn trương được sửa chữa lại máy móc, bổ sung ngư cụ, lương thực, thực phẩm... sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới.
Giảm 30-35% chi phí mỗi chuyến đi biển do giá xăng dầu giảm |
Ngư dân Hoàng Văn Tính ở xóm Sơn Đông, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho hay: “Con tàu vỏ gỗ công suất 450 CV này, tôi và 5 anh em cùng quê góp tiền mua từ Nghệ An hơn 3 tỷ đồng vào năm 2016. Có người phải cầm nhà vay tiền ngân hàng, có người thì vay mượn anh em, họ hàng nên ai cũng quyết tâm làm việc”. Tàu của anh Tính vừa trở về sau hơn 10 ngày lênh đênh trên vùng biển miền Trung với thành quả thu về hơn 1 tấn cá thu, cá đao... Giá thương lái mua tại chỗ từ 140.000 – 170.000 đồng/kg cá thu, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho cả tàu.
Theo anh Tính, từ khi có thông tin dịch bệnh Covid-19, hầu hết ngư dân đều ý thức đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần, số lượng người trên mỗi tàu thuyền cũng giảm bớt, luôn trang bị bên mình nước rửa tay, bình xịt khuẩn... để bảo vệ an toàn sức khoẻ cho bản thân, bạn thuyền, gia đình và xã hội.
“Trước khi ra khơi, tôi đều yêu cầu anh em phải đi kiểm tra y tế, đảm bảo không ai có những triệu chứng của bệnh Covid-19 như ho, sốt, khó thở. Ngoài ra, để an toàn, tôi đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nhiệt kế, nước sát khuẩn để mọi người dùng trên tàu. Ở biển, chúng tôi hầu như không tiếp xúc với ai nên không có nguồn lây nhiễm dịch bệnh, nhưng không vì thế mà chủ quan. Chúng tôi cố gắng, kiên trì bám biển không chỉ để đảm bảo cuộc sống gia đình mà còn mong muốn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho các tỉnh, thành trong thời điểm khó khăn này”, anh Tính vui vẻ cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Nam Định, hiện toàn tỉnh có 2.134 tàu thuyền khai thác thủy sản, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 6.000 lao động trực tiếp trên biển. Trung bình mỗi tháng, mỗi ngư dân đi biển xa được trả công khoảng 10 triệu đồng, tài công khoảng 15 triệu đồng, chưa kể nếu trúng vụ cá đậm còn được chủ tàu thưởng thêm nên cuộc sống các gia đình khá ổn định. Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm, những năm được mùa có khi lên tới trên 400 triệu đồng. Đồng hành với ngư dân, thời gian qua, Chi cục Thủy sản cũng chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; trong đó có chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu. Đơn vị cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn và tuyên truyền ngư dân ký cam kết trong việc không khai thác hải sản bất hợp pháp, tuân thủ mọi quy định của IUU. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm của ngư dân, hoạt động khai thác thủy sản thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Chu Khôi