Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố chính thức điều chỉnh tăng giá điện thêm 4,8% từ 11/10/2024. Giá bán điện mới là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trước đó, năm 2023, EVN tăng giá điện 2 lần. Lần gần nhất là ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh chưa bao gồm thuế GTGT.
Chủ nhà đồng loạt tăng giá
Khảo sát một số ý kiến người dân, lượng người cho rằng mức tăng giá điện đó “chấp nhận được” không nhiều, còn lại đa số bày tỏ lo lắng, phản ứng. Đó là sinh viên, phần đông người lao động có mức thu nhập trung bình hoặc thấp.
Theo nguồn tin của VnBusiness, hầu hết các nhà trọ khu vực Bắc Từ Liêm như Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế,… đều đã đồng loạt điều chỉnh giá điện dù chưa đến thời điểm chốt điện tháng 10, thậm chí có nơi lên 5.000-6.000 đồng/số điện.
Nhiều chủ nhà đã thông báo tăng giá điện. |
Nhiều sinh viên cho biết, rất bất ngờ khi chủ nhà trọ thông báo sẽ tăng giá điện ngay trong tháng 10 từ 4.000 đồng lên 5.500 đồng/số (kWh), với lời giải thích là do nhà nước tăng giá.
“Hôm 15/10, chủ nhà đã gửi thông báo vào nhóm Zalo với nội dung tăng giá điện lên 5.500 đồng, và tính thu từ tháng 10, khiến một sinh viên như em cảm thấy lo lắng”, bạn Vũ Thị Thu Hiền – sinh viên năm 2 Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) hiện đang sống tại phường Cổ Nhuế chia sẻ.
Còn tại khu trọ khu Công nghiệp Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm), giá điện tăng lên 5.000 đồng/số và được áp dụng từ tháng 11 trở đi. Dù thấp hơn các khu khác nhưng điều này cũng khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng.
“Giá điện trước kia chỉ 3.500 đồng/số, vừa rồi chủ nhà khu này thông báo tăng lên 5.000, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng mặc dù biết tiền điện của nhà nước đã tăng”, anh Nguyễn Quốc Cường (công nhân khu CN) cho biết.
Câu chuyện của bạn Hiền hay anh Cường đang gặp phải khá phổ biến hiện nay. Nhiều người trẻ tâm sự là "phận người đi ở trọ" nên chịu khá nhiều thiệt thòi khi các chủ nhà tính tiền điện, tiền nhà, phí dịch vụ,… theo kiểu… “tùy hứng”.
Vào vai một người đi thuê phòng tại đường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), sau khi hỏi về việc tại sao giá điện ở đây lại là 6.000đồng/số, anh P.M.H - chủ dãy phòng cho biết: "Chúng tôi cũng phải trả tiền điện cao hơn, nên việc tăng giá là điều cần thiết".
Bên cạnh đó, tại một số chung cư, giá điện được thu theo quy định nhà nước nên nhiều chủ nhà đã tăng giá tiền thuê nhà để “bù đắp” chi phí... 'hao mòn' nhà.
Rõ ràng, sự đồng loạt tăng giá của các chủ nhà trọ không chỉ gây ra sự khó khăn cho người thuê mà còn dấy lên nhiều câu hỏi về tính công bằng và đạo đức trong kinh doanh. Nhiều người nghi ngờ rằng các chủ nhà trọ đang lợi dụng tình hình để tăng lợi nhuận một cách vô lý. Việc tăng giá không chỉ đơn thuần dựa trên mức tiêu thụ thực tế mà còn có thể xuất phát từ tâm lý “té nước theo mưa”, khi các chủ nhà trọ nhìn thấy cơ hội để thu lợi.
Áp lực tài chính đè nặng
Đại diện EVN cho biết, tăng 4,8% là mức tối ưu được quyết định sau khi cân nhắc các yếu tố an sinh xã hội nhằm giảm thiểu tác động đối với đời sống người dân và nền kinh tế. Việc tăng giá chủ yếu do áp lực từ chi phí đầu vào, đặc biệt là giá than và giá khí, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành điện.
Đối với người tiêu dùng, EVN khẳng định lần tăng giá điện này chỉ ảnh hưởng “vừa phải” tới nhóm khách hàng phổ biến. |
Tuy nhiên, với mức thu nhập không tăng tương ứng, sinh viên và lao động phổ thông cảm thấy căng thẳng khi phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Nhiều người đã phải tìm cách cắt giảm chi tiêu hàng tháng, từ việc tiết kiệm trong việc mua sắm đến việc giảm thiểu tiêu thụ điện. Áp lực tài chính đang đè nặng lên vai họ, khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Họ không chỉ lo lắng về mức tăng giá điện mà còn về khả năng chi trả cho tiền thuê nhà, thực phẩm và các chi phí sinh hoạt khác.
"Tiền thuê nhà và tiền điện trước đây đã chiếm quá nhiều trong ngân sách hàng tháng của gia đình. Cứ mỗi lần giá điện tăng thì nhiều hàng hóa sẽ tăng theo. Với những gia đình vợ chồng làm công nhân như chúng tôi mỗi khi tiền điện tăng lại phải tìm cách cân đối chi tiêu sao cho hợp lý. Đến bìa đậu phụ hay chiếc bánh mỳ cũng tăng giá,…”, anh Nguyễn Quốc Cường nói.
Đối với người tiêu dùng, EVN khẳng định lần tăng giá điện này chỉ ảnh hưởng “vừa phải” tới nhóm khách hàng phổ biến. Cụ thể, khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200kWh/tháng trở xuống có 17,4 triệu hộ (31%), mỗi tháng sẽ tăng thêm 13.800 đồng. Mức sử dụng điện trên 200 - 300kWh/tháng, sẽ có chi phí tăng thêm bình quân 32.000 đồng/tháng. Với hộ sử dụng điện từ 300 - 400kWh/tháng, mức tăng thêm là 47.000 đồng. Các hộ sử dụng từ 400kWh trở lên có mức tăng thêm là hơn 62.000 đồng.
Còn với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), mỗi hộ trả thêm bình quân là 247.000 đồng. Với hộ sản xuất là 1,9 triệu khách hàng, mức tăng này sẽ làm tiền điện tăng lên 499.000 đồng/tháng; khách hàng xí nghiệp là 691.000 khách hàng, tăng thêm 91.000 đồng.
EVN cũng luôn yêu cầu các chủ nhà trọ áp giá đúng cho sinh viên, người lao động cũng như niêm yết công khai giá điện. Trường hợp chủ nhà trọ làm sai, người thuê trọ cần phản ánh thông tin đến các trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành điện lực để đề nghị Sở Công thương các tỉnh, TP kiểm tra, xử lý.
"Việc tăng giá điện vào cuối năm sẽ gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa biến động, tăng theo giá điện. Giá cả một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng. Thế nên, cơ quan quản lý giá hết sức chú ý và ngăn chặn ngay hành vi "té nước theo giá điện" từ nay đến cuối năm để giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, các bạn sinh viên", ThS Nguyễn Thị Lê Na (Đại học Điện lực Hà Nội) cho biết.
Lê Hồng