Theo Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi trên cả nước 9 tháng qua phát triển khá tốt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển chăn nuôi bò, gia cầm,... đảm bảo nguồn cung thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư. |
Trong đó, đàn lợn cả nước đang dần được khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn tại các địa phương nhìn chung vẫn còn chậm so với kỳ vọng. Tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.483,1 nghìn tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng quý III ước đạt 846,2 nghìn tấn, tăng 9,7%).
Tính đến ngày 29/9, cả nước không có dịch tai xanh; có 02 ổ dịch cúm gia cầm tại Thái Bình, Bạc Liêu; 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 5 tỉnh Cao Bằng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum và Đồng Nai và bệnh Dịch tả lợn châu Phi có 268 xã thuộc 95 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 15.769 con.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Với tốc độ tái đàn như trên, nguồn cung lợn hơi sẽ đảm bảo cân bằng trong quý IV/2020, với tốc độ dự kiến tăng 14% so với đầu năm.
Hiện nay, giá lợn hơi đang giảm mạnh xuống vùng 70.000 - 75.000 đồng/kg trên cả 3 miền. "Chúng ta kỳ vọng trong quý IV, giá lợn hơi sẽ giảm về dưới mốc 70.000 đồng/kg", ông Dương đánh giá.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, yêu cầu tái đàn lợn nhanh nhưng phải đảm bảo toàn sinh học, tránh ồ ạt dễ làm bùng phát trở lại Dịch Tả lợn châu Phi.
Theo ông Tiến, ngành chăn nuôi Việt Nam chưa bao giờ có hệ thống văn bản luật điều chỉnh như bây giờ, đó là Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2035... Điều này giúp huy động nguồn lực vào phát triển chăn nuôi.
Do vậy, số lượng doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi đã có bước phát triển. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTTNT đánh giá tỷ lệ thịt lợn qua chế biến chưa cao, mới chiếm 15 - 17%, dư địa của phân khúc này còn lớn.
"Sắp tới đây, chăn nuôi nước ta thực hiện theo đúng chiến lược phát triển và sẽ có bước phát trển theo hướng quy mô sản xuất hàng hoá cao, không chỉ phục vụ trong nước mà còn nhắm tới thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN", ông Tiến kỳ vọng.
Lê Thúy