Liên quan đến việc giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về góc độ điều hành giá xăng dầu cùng với Bộ Tài chính, ông thấy rằng 2 loại giá này đều cao. Bộ Công Thương mong muốn giá thấp hơn nữa sẽ tốt hơn cho tất cả các đối tượng trong nền kinh tế.
Trong kỳ điều hành ngày 5/9, lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng. |
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Công Thương đúng là có việc từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen giá bán lẻ dầu hỏa và dầu diesel thấp hơn giá xăng, nhưng kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua thì lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng. Cụ thể, xăng E5RON95: 23.359 đồng/lít, xăng RON 95III: 24.230 đồng/lít, trong khi dầu Diesel: 25.188 đồng/lít, dầu hỏa: 25.445 đồng/lít.
Nguyên nhân trước hết tại thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu hỏa và dầu diesel tăng, nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt, dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, nằm ở mức tương đương hoặc cao hơn so với giá xăng.
Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng tăng vào mùa lạnh, mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dầu khi giá năng lượng tăng cao thì giá dầu đã tăng khá mạnh và cao hơn nhiều so với giá xăng. Hiện nay, trung bình trên thế giới bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Còn ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng và dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh cũng rất khác nhau.
Thực tế cho thấy, nhu cầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8-10%. Do đó giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn tăng cao hơn so với giá dầu.
Tuy nhiên ở kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua (ngày 5/9) do giá xăng và giá dầu trên thế giới có sự chênh lệch lớn. Giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30-35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
"Chúng tôi rất chia sẻ với những đối tượng sử dụng dầu, chủ yếu là dầu diesel, đặc biệt trong ngành vận tải và ngư dân đánh bắt cá. Chúng ta điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều hành của Nhà nước. Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ngày gần đây nhất (12/8/2022), VPCP có công văn 5142 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các biện pháp về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp và hỗ trợ giá xăng dầu cho các ngư dân và các đối tượng có liên quan", ông Hải cho biết.
Thứ trưởng Hải cho biết thêm ở các nước châu Âu, hầu như giá dầu cao hơn giá xăng như Italy, Hungary, Đức, Pháp, Áo, Anh...
Về quỹ bình ổn xăng dầu, ông Hải cho rằng rõ ràng gọi là quỹ thì khi cần chúng ta trích và chi nhưng quan trọng là trích lúc nào và chi lúc nào. Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1/2022 đến kỳ ngày 21/4/2022, sau đó 5 kỳ liên tục từ 1/4/2022 đến 21/6/2022 đều bình ổn giá xăng dầu trong nước vì khi đó tăng liên tục, chúng ta phải chi liên tục, vì vậy giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới. Nhưng nếu giảm thì chúng ta lại trích một phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn.
"Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước và toàn bộ trích lập tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng", ông Hải cho biết.
Thy Lê