Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường các mặt hàng thực phẩm từ 26-30 Tết bắt đầu sôi động. Sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với Tết năm trước. Một số loại do ảnh hưởng từ sản xuất nên giá cao hơn khoảng 5-7% như: thịt lợn, đào, quất, một số loại hoa nguồn cung tốt nên giá thấp hơn như ly, hồng, cúc.
Sau Tết, giá một số loại hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm chỉ tăng nhẹ (Ảnh: Internet) |
Cũng theo Bộ này, dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Giá các mặt hàng bánh mứt kẹo, đồ uống không biến động lớn, chỉ tăng 5-7% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Giá thực phẩm tươi sống như, thịt bò và thịt gà ổn định và bắt đầu tăng từ những ngày gần Tết nhưng mức tăng không lớn do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường. Hiện, bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn từ 140.000 - 160.000 đồng/kg và tôm sú giá từ 450.000 - 600.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng rau củ, quả do thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Riêng giá một số loại rau vụ đông như: su hào, cà chua, súp-lơ, cải bắp..., do nguồn cung dồi dào nên giá chỉ tăng nhẹ so với trước Tết và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-20%.
Vũ Hồng