Qua thống kê, 84% các mặt hàng của nhóm tiêu dùng nhanh bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm và hàng chăm sóc cá nhân, sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong vệ sinh và giặt ủi,... đã có mức tăng giá trung bình trong 8 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ 2022 là 4,4%. Trong đó, các sản phẩm có mức tăng giá bán hàng đầu là thực phẩm tăng 7,6%, bia tăng 7,3% và sản phẩm từ sữa tăng 4,9%.
Kết quả này có sự tương đồng với các chuyển động gần đây trên thị trường khi các nhà bán lẻ, chủ hệ thống siêu thị gần đây cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá sản phẩm từ các nhà cung cấp. Lý do được đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào, điện và xăng dầu tăng.
Việc tăng giá trong lúc sức mua yếu đã khiến tăng trưởng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh liên tục giảm tốc kể từ khi đạt mức đỉnh hồi quý III/2022. Thời điểm đó, FMCG tăng doanh thu đến 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu gần nhất của Nielsen IQ cho hay kết quả quý II/2023 đã giảm 2,1%.
Khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay. |
Ngành hàng FMCG có mức tăng giá bán lớn nhất là thực phẩm với mức tăng 7,6% đã có tăng trưởng sản lượng giảm xuống mức âm (-3,6%). Ngành tăng giá bán thứ 2 là bia với mức tăng là 7,3% có mức tăng trưởng sản lượng dương nhưng chỉ ở 0,1%. Nhóm hàng duy nhất có mức tăng trưởng có vẻ tương đối khả quan là thức uống (trừ bia) với mức tăng sản lượng 4,9% trong khi giá bán tăng 3,8%.
Tại hội thảo "Vietnam Business Outlook 2024" tổ chức mới đây, Giám đốc cấp cao đo lường thị trường bán lẻ Nielsen IQ, ông Dzũng Nguyễn đã đưa ra nhận định: "Hầu hết mặt hàng đều bị giảm sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm nay, trừ đồ uống và thuốc lá nhích nhẹ. Ngoài ra, tăng trưởng chủ yếu của các ngành hàng có được bây giờ là do giá bán tăng".
Đối phó với “cơn bão” tăng giá, nghiên cứu cho biết cách phổ biến nhất của người tiêu dùng là mua ít hơn, với 33% chọn giải pháp này. Bên cạnh đó, là một số phương pháp khác cũng được đưa ra bao gồm chọn thương hiệu rẻ hơn (21%); mua gói lớn hơn để tiết kiệm (16%) và mua các sản phẩm khuyến mãi (16%). Ngoài ra, còn có 10% chọn "dừng mua sắm".
Giá tăng, sức mua giảm, mất cân đối cung - cầu đã dấy lên những lo ngại về lạm phát. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Bùi Duy Khánh, Giám đốc kinh doanh khối thị trường vốn HSBC Việt Nam thì lạm phát đang nằm trong kiểm soát dù vẫn đáng chú ý. Ông cho biết: "Gần đây, lạm phát nhích tăng trở lại do giá lương thực thực phẩm và giá dầu. Mục tiêu lạm phát 4,5% năm nay sẽ được kiểm soát tốt nhưng vẫn là áp lực hiện hữu”. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ còn phải chịu nhiều sức ép trong thời gian sắp tới, đặc biệt là về vấn đề chi phí.
Bích Tâm