Ngày 27/8, Bộ Tài chính cho biết tính đến tháng 8/2024, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với 4 doanh nghiệp: Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), Công ty CP FiinRatings, Công ty CP xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) và Công ty CP xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings) - là doanh nghiệp mới được cấp phép trong năm 2024.
Theo quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; Các doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì không được phép sử dụng cụm từ “xếp hạng tín nhiệm” hoặc các cụm từ khác có nội hàm như “xếp hạng tín nhiệm” trong tên gọi.
Quy định xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ bắt buộc trong nhiều trường hợp từ đầu năm 2024 và bắt đầu đề cập đến việc giám sát hoạt động các đơn vị xếp hạng tín nhiệm. |
Hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
"Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế", ông Hùng chia sẻ.
Tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng mặc dù tại Việt Nam đã và đang dần hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm nhưng đây vẫn là khái niệm mới và việc xếp hạng tín nhiệm chưa được đánh giá đúng mức tại thị trường Việt Nam.
CEO FiinRatings cho biết, ngành xếp hạng tín nhiệm trên thế giới đã có hơn 100 năm và doanh nghiệp Việt nếu muốn huy động nguồn vốn từ kênh quốc tế bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.
Xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đa dạng hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Các thành viên trên thị trường cần chung tay với nhau để có những bước đi trước, kể cả khi chưa có quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm.
“Xếp hạng tín nhiệm không phải là cây đũa thần, nhưng chúng tôi tâm niệm để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… mà còn của doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư...", lãnh đạo FiinRatings nhấn mạnh.
Đồng thời, chuyên gia nêu kỳ vọng triển vọng ngành xếp hạng tín nhiệm thời gian tới sẽ đến từ chính sách, nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, mong muốn từ đơn vị tư vấn và sức ép của nhà đầu tư.
Theo thống kê, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp chủ động xếp hạng tín nhiệm và công bố ra thị trường có xu hướng tăng nhưng vẫn rất khiêm tốn. Đặc biệt, năm 2023 chứng kiến sự gia tăng đột biến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các tổ chức đã được xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng, cao gấp 10 lần năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn, mới đạt khoảng 9% so với quy mô toàn thị trường và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực...
Cụ thể, trong khối ASEAN, Indonesia đứng đầu về trái phiếu đã được công bố xếp hạng tín nhiệm với tỷ lệ 82%, theo sau là Malaysia, Phillipines, Singapore lần lượt với 54%, 26% và 30%. Tại Thái Lan, tất cả các quỹ tương hỗ muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì trái phiếu đó phải được xếp hạng tín nhiệm. Hay tại Malaysia, dù không bắt buộc, doanh nghiệp vẫn chủ động xếp hạng tín nhiệm để phát hành trái phiếu.
Theo dữ liệu VNBA tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 7 có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 31.387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 7 có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị.
Trong tháng 7, các doanh nghiệp đã mua lại 32.094 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 121.854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Thanh Hoa