Nhận định thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho Chính phủ để đầu tư phát triển và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch phát hành 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm nay, tăng gần 82 nghìn tỷ đồng so với 318.213 tỷ đồng trong năm 2021.
Hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước vừa tiếp tục có thêm một phiên thất bại |
Tuy nhiên, tại thời điểm này, những thất bại đầu tiên trong huy động vốn đã thể hiện.
Cụ thể, phiên ngày 9/3 vừa qua, hoạt động đấu thầu TPCP của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có phiên thất bại khi 6.000 tỷ đồng TPCP chào thầu có vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với trước đó, với mức tăng phổ biến từ 10 – 30 điểm cơ bản.
Trong phiên này, các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt là 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.
Ở diễn biến mới nhất, ngày 30/3, KBNN đã tiếp tục có một phiên gọi thầu TPCP thất bại. Theo đó, kết quả gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP ở ba loại kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm đều không có khối lượng trúng thầu.
Đáng chú ý, vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất tăng từ 4 – 5 điểm tùy kỳ hạn, trong khi vùng lãi đặt thầu cao nhất tăng mạnh 25 điểm đối với kỳ hạn 30 năm và giữ nguyên ở hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm.
Hơn nữa, tại các phiên đấu thầu trong tháng 2 và tháng 3 sức hấp thụ của thị trường cũng đã có dấu hiệu không nhiều thuận lợi. Điển hình, ngày 03/02, KBNN tổ chức gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, nhưng chỉ huy động được 80 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu theo đó thấp kỷ lục, chỉ với 1,3%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại, riêng kỳ hạn 20 năm huy động được 80/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm giữ nguyên tại 2,89%.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến hoạt động phát hành TPCP gặp khó khăn xuất phát từ cả phía cung lẫn cầu.
Ở phía cung, KBNN cũng chưa thực sự gặp áp lực do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn tương đối thấp trong 2 tháng đầu năm (chỉ đạt 8,6% kế hoạch của Chính phủ). Thậm chí, riêng trong tháng 3, cơ quan này đã 2 lần phát đi thông báo về việc mua vào ngoại tệ, với giá trị lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Ở phía cầu, nhà đầu tư tham gia kênh này chủ yếu là Bảo hiểm Xã hội, trong khi vắng bóng các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân do, hiện nay nền kinh tế phục hồi, hệ thống các ngân hàng thương mại đang tập trung đáp ứng nhu cầu vốn tăng mạnh của các doanh nghiệp. Quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã tăng đột biến và lãi suất trên thị trường này cũng liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua. Lãi suất vay mượn nhau ở các kỳ hạn ngắn đã duy trì trên 2%/năm trong 8 tuần liên tiếp, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, tăng gấp 5-6 lần so với cùng thời điểm năm 2021.
Theo kế hoạch, trong quý I, KBNN phát hành 105.000 tỷ đồng TPCP để huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2022. Tuy nhiên, tính tới 23/3, tổng khối lượng TPCP phát hành thành công mới đạt 41.282 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 15,85 năm; lãi suất phát hành bình quân là: 2,39%/năm.
Như vậy, với khối lượng trên, sau hơn 2/3 thời gian, việc phát hành TPCP mới hoàn thành được hơn 39% kế hoạch của quý và chỉ hơn 10,3% kế hoạch cả năm 2022.
Các chuyên gia nhận định, hoạt động đấu thầu TPCP thời gian tới đang đứng trước áp lực phải tăng lãi suất để cải thiện tiến độ huy động cho cân đối ngân sách; chi phí Chính phủ phải trả theo đó dự kiến sẽ bớt đi mức độ dễ chịu như từng có trong năm 2020 và 2021.
Thanh Hoa