Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại là 51,1%. Danh mục còn lại do Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các công ty bảo hiểm (trong đó chủ yếu là bảo hiểm nhân thọ), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.
Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường TPCP |
Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường thời gian qua.
Hiện, Bộ Tài chính tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài…, tiến tới chấm dứt tình trạng thị trường TPCP lệ thuộc vào các ngân hàng.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu phát triển thị trường TPCP thành kênh huy động vốn cơ bản cho ngân sách nhà nước và trở thành thị trường chuẩn để phát triển thị trường tài chính.
Để thực hiện mục tiêu này, đối với thị trường sơ cấp, Bộ Tài chính sẽ phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.
Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) Phan Thị Thu Hiền cho biết, việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn sẽ tạo cầu bền vững cho thị trường TPCP, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Hoàng Hà