Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ thông tin: “Mấy hôm nay, một số người bán vàng miếng SJC để mua vàng nữ trang cất trữ nhằm hưởng lợi bởi giá vàng nữ trang cùng chất lượng 9999 nhưng chỉ 52 - 53 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 15 - 16 triệu đồng/lượng”.
Người dân không còn “đu đỉnh” giá vàng SJC
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường vàng trong nước có nhiều biến động khi từ mốc 60,8 – 61,8 triệu đồng/lượng (giá mua – bán kết phiên giao dịch ngày 31/12/2021) có thời điểm tăng vọt lên tận 74 triệu đồng/lượng rồi quay đầu giảm.
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức 9999 đang thấp hơn vàng miếng SJC từ 15 triệu đồng/lượng. |
Chốt phiên 13/7, giá bán vàng miếng SJC ở mức 68,2 triệu đồng/lượng, giá mua vào ở mức 67,6 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm giá vàng thế giới ở mức 1.729,6 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 49 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới đến 19,2 triệu đồng/lượng.
Trước sự biến động của giá vàng trong 6 tháng đầu năm, cùng với sự chênh lệch rất lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, nhiều người dân chuyển sang mua vàng nhẫn 9999.
Theo khảo sát của VnBusiness, giá bán vàng nhẫn 9999 lại thấp hơn đến 15,25 triệu đồng/lượng. Cụ thể, tại Công ty SJC, giá bán vàng nhẫn 9999 ở mức 52,95 triệu đồng/lượng, giá mua vào ở mức 52,05 triệu đồng/lượng. Tại Công ty PNJ, giá vàng nhẫn 9999 niêm yết ở mức 52,9 triệu đồng/lượng, mua vào 51,9 triệu đồng/lượng; còn giá tại Công ty DOJI là 51,5 triệu đồng/lượng (mua vào), 52,55 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chị Hải Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ dành dụm được hơn 150 triệu đồng nên dự định mua vàng để tích trữ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chị Hải Anh thấy cả hai loại vàng nhẫn và vàng miếng đều có hàm lượng vàng như nhau nhưng giá vàng miếng cao hơn nhiều so với vàng nhẫn nên chị quyết định mua vàng nhẫn 9999.
Trong khi đó, anh Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang tiếc "đứt ruột" khi trót mua 3 cây vàng từ mức giá 69,52 triệu đồng/lượng từ tháng 6. “Ở thời điểm đó, cứ nghĩ vàng lên trên 75 triệu đồng/lượng, kiểu gì cũng có lời. Ai dè giá vàng trong nước liên tục giảm theo chiều thế giới, nhiều thời điểm vàng còn giảm về mức trên 67 triệu đồng/lượng. Vì vậy, tôi quyết định cắt lỗ và chuyển sang mua vàng nhẫn 9999”.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/6/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.843,29 USD/ounce, giảm 0,54% so với tháng 5/2022. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tuy nhiên bình quân 6 tháng đầu năm 2022 vàng trong nước vẫn ghi nhận mức tăng 6,63%.
Ông Trần Thanh Hải, cũng khẳng định: “Vàng SJC cao hơn quốc tế 19 triệu đồng/lượng, tương ứng 670 USD/ounce, một mức vênh khá “kỳ cục”. Sở dĩ nói “kỳ cục” vì lẽ ra giá trong nước cao thì người có vàng phải bán ra để hưởng lợi, ngược lại chẳng có ai bán vàng. Thậm chí, mấy hôm nay, một số người bán vàng miếng SJC để mua vàng nữ trang cất trữ nhằm hưởng lợi bởi giá vàng nữ trang cùng chất lượng 9999 nhưng chỉ 52 - 53 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 15 - 16 triệu đồng/lượng”.
Vì sao vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng?
Chia sẻ với VnBusiness, một chuyên gia vàng cho biết cả hai loại vàng nhẫn và vàng miếng đều có hàm lượng vàng như nhau nhưng sự chênh lệch giá cao như vậy có nhiều lý do.
Cụ thể, kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, vàng miếng được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. “Chính vì độc quyền sản xuất, mang thương hiệu và tiêu chuẩn quốc gia nên vàng miếng SJC luôn có giá cao hơn vàng nhẫn”, chuyên gia lý giải.
Ngoài ra, từ khi áp dụng Nghị định 24 quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức và các sản phẩm từ vàng nên phải đi mua vét khắp nơi trong nước với giá cao, thậm chí chủ động mua vàng từ SJC để làm nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, người dân lại đang có xu hướng tích trữ vàng miếng SJC hơn là vàng nhẫn, khiến nguồn cung không còn nhiều.
Các nguyên nhân trên dẫn đến vàng miếng SJC luôn cao hơn vàng nữ trang và cũng dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng, giá vàng trong nước không còn liên thông với thị trường thế giới. Vào khoảng tháng 6-7/2020, giá vàng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới từ 1-2,5 triệu đồng/lượng nhưng hiện nay đã lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, một khoảng cách chênh lệch chưa từng có.
Chính sự chênh lệch quá lớn trên đã kích thích người dân chuyển sang mua vàng nhẫn trong những ngày gần đây. Thậm chí, nhiều tiệm vàng cũng tranh thủ gom vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang, mỹ nghệ...
"Họ mua vì hai lý do, một là tranh thủ tích trữ trong lúc giá vàng ở mức thấp, hai là lo mua vàng miếng SJC lúc này rủi ro quá cao nếu có sự thay đổi về chính sách", vị chuyên gia nói.
Thanh Hoa