Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang sẽ tác động tới Việt Nam ở trên cả hai góc độ tích cực và tiêu cực, trong đó những ảnh hưởng tiêu cực và tác động nhanh nhất là vấn đề tỷ giá.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn nhận, Việt Nam có nhiều công cụ để ổn định tỷ giá và VND nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tác động từ bên ngoài
Đầu tuần trước, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ báo hiệu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ có dấu hiệu leo thang, đồng USD trên thế giới duy trì ở mức cao, trong khi tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lẫn thị trường tự do trong nước cũng tăng vọt.
Trong vòng 4 ngày 6-9/5, tỷ giá USD tại các ngân hàng liên tục trong xu hướng đi lên, với mức tăng 100 - 120 đồng ở cả hai chiều, đẩy giá bán lên quanh mức 23.460 đồng/ USD. Ở nhiều phiên giao dịch, các ngân hàng điều chỉnh bảng niêm yết tỷ giá tới cả chục lần trong một ngày.
Tuy nhiên, kể từ cuối tuần qua, tỷ giá có thời điểm "hạ nhiệt", song vẫn luôn có những "cơn sóng" lên – xuống khó lường.
Phiên giao dịch sáng ngày 14/5, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 7 đồng lên mức 23.054 đồng/USD so với phiên trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.746 đồng/ USD và tỷ giá sàn là 22.362 đồng/USD.
Một số ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn đồng loạt tăng giá đồng bạc xanh với mức phổ biến 50 đồng/USD mỗi chiều mua – bán so với phiên trước.
Giá mua thấp nhất ở mức 23.268 đồng/USD, cao nhất là 23.330 đồng/ USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá thấp nhất ở mức 23.410 đồng/ USD, cao nhất là 23.450 đồng/USD.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, việc tỷ giá biến động những ngày qua chưa tác động ngay đến hoạt động kinh doanh nhưng cũng gây ra không ít lo ngại. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh sẽ tác động đến giá cả nguyên vật liệu, thậm chí lạm phát, lãi suất cũng bị tác động, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Theo Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đứng trước nguy cơ leo thang, vấn đề kiểm soát tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là diễn biến đồng Nhân dân tệ (CNY). Trong khi đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Chỉ tính trong vòng 4 ngày 6 – 9/5, CNY đã mất giá khoảng 1,3%, xấp xỉ mức độ mất giá đã từng xảy ra vào giữa tháng 6/2018. Tuy nhiên, khác với năm ngoái, các thành viên thị trường và phía Trung Quốc đều đã có sự chuẩn bị từ trước.
Nhóm nghiên cứu cho rằng: "Tỷ giá USD/ CNY dù đã tăng lên 6.82 nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh của năm 2018 là 6.97. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ can thiệp để giữ tỷ giá CNY như đã làm trong năm 2018".
Tỷ giá chịu tác động không nhỏ từ chiến tranh thương mại |
Nhiều công cụ ổn định tỷ giá
Dẫu những "cơn sóng" tỷ giá nhiều phen làm cho thị trường "thót tim", song nhìn nhận về ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đến tỷ giá tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều tin tưởng Việt Nam có nhiều công cụ để ổn định tỷ giá và VND nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Theo SSI, sự mất giá của CNY ảnh hưởng đến VND phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý, Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. VND vì vậy nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS), đưa ra nhận định: căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể gây áp lực lên việc điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá trong nước, điều này đã được chứng minh trong hai năm qua với nguồn vốn FDI tăng mạnh, kiều hồi tăng trưởng ổn định, lạm phát trong nước được kiềm chế ở mức thấp.
"Đó là lý do vì sao cho tới nay, VND vẫn là đồng tiền có sự ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực mất giá lớn so với USD. Theo tôi, tới thời điểm này có thể khẳng định vấn đề tỷ giá vẫn đang được NHNN kiểm soát tốt theo mục tiêu đã đề ra", ông Ngọc nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng thị trường vẫn có niềm tin tỷ giá nếu có tăng cũng sẽ không quá "sốc", bởi còn có sự can thiệp hỗ trợ từ cơ quan quản lý.
Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, đưa ra nhận định áp lực tỷ giá năm nay vẫn lớn, có xu hướng tăng khi cuộc chiến thương mại chưa tới hồi kết. Tuy nhiên sẽ có những yếu tố tích cực hỗ trợ tỷ giá như dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực. Bên cạnh đó là cách ứng xử linh hoạt của NHNN trong sử dụng công cụ và điều hành tỷ giá trung tâm.
Ông Thành tin tưởng: "Tỷ giá năm nay chỉ biến động, có thể có một số thời điểm khác nhau, nhưng chỉ khoảng 2%".
Huyền Anh