Đánh giá về chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhất là với tỷ giá và lãi suất, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng NHNN sẽ tiếp tục thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong đó tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Sau một thời gian có dấu hiệu "giảm nhiệt", cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gần đây xuất hiện những yếu tố "bùng phát" cao.
Tỷ giá biến động khoảng 2%
Đỉnh điểm ngày 6/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khiến đồng USD tăng giá mạnh. Đồng Nhân dân tệ (CNY) lập tức mất giá 0,8% so với USD, hiện ở mức 6,787 CNY/USD. Áp lực đối với tỷ giá USD/VND đã gia tăng.
Trong phiên giao dịch ngày 9/5, giá bán ra USD tăng 30 – 40 đồng so với hôm trước, trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục lập đỉnh mới ở mức 23.046 đồng, tăng 6 đồng so với hôm trước và là phiên điều chỉnh tăng thứ ba liên tiếp.
Theo giới chuyên gia, trong năm nay, tỷ giá vẫn đứng trước những áp lực lớn. Trong đó, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng áp lực tỷ giá năm nay lớn do cuộc chiến tranh tiền tệ chưa tới hồi kết.
Tuy nhiên, ông Thành tin tưởng sự "thông minh lên" của NHNN được thể hiện qua sự chủ động; ổn định kỳ vọng và kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt sẽ giúp "tỷ giá năm nay biến động có thể có một số thời điểm khác nhưng chỉ khoảng 2%".
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với đồng USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá tại Việt Nam diễn biến khá ổn định.
Tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỷ USD); thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào VND được củng cố; hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.
Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt thách thức đặt ra như kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung… làm cho dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có dòng vốn chảy vào do có kinh tế vĩ mô ổn định, có sự đánh giá rất tốt với thị trường.
Cần nâng cao vai trò của thị trường vốn để giảm lãi suất cho vay |
Lãi suất ngân hàng khó giảm tiếp
Theo giới phân tích, áp lực lãi suất sẽ xảy ra bởi các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay khi tăng trưởng vốn huy động nói chung đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng và lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài trên 12 tháng tiếp tục "neo" ở mức cao.
Ts. Cấn Văn Lực đánh giá, chính sách tiền tệ hiện nay phải gánh quá nặng so với chính sách tài khóa… Hệ thống ngân hàng đang phải làm thay cho thị trường vốn có nhiệm vụ cung ứng vốn trung và dài hạn.
Hiện nay, cho vay vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 50-60%, đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng, nhưng bản chất của ngân hàng chỉ là cho vay ngắn hạn. Do vậy, về dài hạn, cần phải nâng cao vai trò của thị trường vốn để giảm lãi suất cho vay.
Ts. Võ Trí Thành cũng nhìn nhận vấn đề lãi suất khó có thể giảm thêm. Có nhiều tác động từ bên ngoài, phụ thuộc điều hành lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Ngoài ra, hoạt động cung tiền M2, tín dụng đang vừa quản theo khối lượng lại vừa quản mục tiêu lãi suất. Trong khi tỷ giá được quản lý trong chừng mực nhất định, linh hoạt hơn nhiều nhưng chủ yếu vẫn thông qua công cụ chính sách.
Theo ông Thành, ngành ngân hàng cần chuẩn bị cho một tương lai trung hạn không quá dài và phải chuyển sang bằng được điều hành lạm phát theo mục tiêu. Khi đó, sự phát triển hệ thống tài chính mới là quản theo giá, từ đó có cơ sở để điều hành lãi suất tốt hơn.
Trong năm qua, lãi suất trên thế giới tăng ở cả nhóm các nước phát triển như Mỹ (4 lần) và nhóm các nước mới nổi (Argentina tăng 6 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 3 lần, Ấn Độ tăng 2 lần, Philippines tăng 4 lần, Indonesia tăng 6 lần), nhưng lãi suất trong nước được NHNN điều hành khá ổn định, thậm chí giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (giảm từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm), nhằm hỗ trợ thanh khoản và góp phần giảm chi phí vốn cho tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức phù hợp, lãi suất cho vay khá ổn định phổ biến trong khoảng 6-9%/ năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.
Do đó, giới phân tích tin tưởng lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định trong năm nay.
Hoàng Hà