Sáng nay (20/6), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.092 đồng/USD, tăng 3 đồng so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD cũng liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.070-23.380 đồng/USD, đi ngang so với chốt phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, tính chung trong tuần trước, giá USD tại ngân hàng tăng 70 đồng.
Giá USD tự do có lúc chạm ngưỡng 24.000 đồng ở chiều bán ra. (Ảnh: Int) |
Ghi nhận trên thị trường tự do trong phiên mở cửa giao dịch sáng nay, giá USD được niêm yết phổ biến trong khoảng 23.920 - 23.950 đồng/USD, tăng khoảng 140 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán so với ngày hôm qua. Như vậy, giá USD tự do đang cao hơn khá nhiều so với USD tại các ngân hàng thương mại, khoảng 600-800 đồng/USD.
Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ % thay đổi thì mức mất giá của tiền đồng trên thị trường tự do cũng vào khoảng 1,6%.
Việc tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian gần đây, chia sẻ tại họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm vừa được tổ chức, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, xét trong bức tranh lớn, tiền đồng vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác. Ví dụ Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất giá 4,7%, Đô la Đài Loan mất giá 6%, Bạt Thái mất giá 3,4%, cá biệt đồng Yên Nhật Bản mất giá đến gần 16%. Tuy nhiên, VND chỉ mất giá rất nhẹ, khoảng 1,8%.
Để giữ ổn định tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước sử dụng đồng bộ các công cụ, từ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá... Theo Bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngoài động thái nâng giá bán USD thêm 200 đồng lên 23.250 đồng vào ngày 12/5, thì số liệu không chính thức cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại khoảng hơn 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu. Số liệu bán ròng USD của Ngân hàng Nhà nước nếu so với quy mô tăng thêm khoảng 13 tỷ USD trong năm 2021 hay so với quy mô bán ròng tỷ giá biến động mạnh vào năm 2015 ở một bối cảnh kinh tế vĩ mô khác cũng đều là rất đáng kể .
Cũng theo đánh giá của VDSC, áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm được đánh giá là vẫn còn rất lớn trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,75 điểm % lãi suất, đồng thời lộ trình tăng lãi suất của Fed được dự báo sẽ nhanh và mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2022 sẽ đối diện với nhiều làn gió "ngược". Đó là tình hình giá nguyên liệu và nhập khẩu xăng dầu tăng cao là yếu tố không khả quan đối với cán cân thương mại.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân dù tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng đồng thời áp lực chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp FDI khi lãi suất tăng ở các nền kinh tế phát triển và xu hướng rút ròng vốn đầu tư gián tiếp khiến mất cân đối cung/cầu USD.
Trong hai tuần đầu tháng 6/2022, lãi suất cho vay USD qua đêm đã vượt lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn với khối lượng giao dịch bình quân tăng 31,1% so với mức trung bình trong tháng 5.
Bên cạnh đó, triển vọng nâng lãi suất của Fed và đồng USD neo ở mức cao khiến nhu cầu tích trữ USD tăng và đẩy giá USD trên thị trường tự do lên mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, VDSC nhận định Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng can thiệp để cân bằng lại khi cần thiết. Vì vậy, các chuyên gia dự báo tiền đồng mất giá khoảng 2,0-2,5% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm % so với dự báo hồi đầu năm.
T.H