Đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hơn 130 đồng.
Doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định biến động của tỷ giá USD/VND theo chỉ số USD Index (DXY) ngày càng tăng, đặc biệt là trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến nay. Sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong nửa cuối năm 2024.
Từ đầu quý III đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống do những chỉ báo kém khả quan của hoạt động kinh tế tại Mỹ. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 25.264 VND/USD tại ngày 31/7, đưa mức mất giá của tiền đồng về mức 4,1% so với đầu năm.
Tuy các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giảm nguồn thu, nhưng sự hạ nhiệt của tỷ giá đã giúp gia tăng sản xuất trong nước và góp phần kiểm soát lạm phát.
Đại diện Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội - doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn và linh kiện cho biết, hiện công ty đang cung ứng khoảng 600 sản phẩm cho các hãng sản xuất ô tô, xe máy trong và ngoài nước. Nhập khẩu phải dùng ngoại tệ là USD, mỗi tháng tiền mua nguyên liệu vào khoảng 8 tỷ đồng, là phần chi phí lớn nhất của sản phẩm.
Với việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội chia sẻ: "Tỷ giá mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá".
Tương tự, Công ty cổ phần EMIN Việt Nam cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp cần nhập 11 tỷ đồng tiền hàng, toàn bộ giao dịch được thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá VND/USD giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 - 4% so với lúc cao điểm.
Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hơn 130 đồng. |
"Thời điểm hiện tại, tỷ giá USD đã giảm dẫn đến chi phí đầu vào của các đơn hàng thấp hơn, có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, từ đó cũng gia tăng được doanh thu cho doanh nghiệp do bán được nhiều hàng hơn", ông Tống Minh Phương, Quản lý Mua hàng Quốc tế, Công ty cổ phần EMIN Việt Nam thông tin.
Theo báo cáo của NHNN, đã có thời điểm VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến đầu tháng 8 này chỉ còn là 3,85%. Đây là kết quả do đồng USD đã yếu đi và hiệu quả từ việc NHNN sử dụng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tỷ giá giảm, không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá: “Tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm”.
Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 5 năm qua. Cùng với đó, tỷ giá hạ nhiệt giúp mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp.
Sẽ xuất hiện áp lực trên cung cầu ngoại tệ
Nhìn từ góc độ vĩ mô của kinh tế thế giới và trong nước, nhiều chuyên gia phân tích dự báo chặng đường phía trước của tỷ giá sẽ có đôi nhịp "gập ghềnh". Theo các phân tích quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có thể quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới. Điều này tiếp tục góp phần ổn định tỷ giá hối đoái và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong vài tháng tới, diễn biến đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần, cần tiếp tục theo dõi những động lực chính khác đối với đồng tiền này gồm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác và vai trò trú ẩn của đồng USD trước các rủi ro địa chính trị.
Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra, với thị trường trong nước, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Theo đó, cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV do nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; hay như quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý III.
Dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, VDSC cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước.
"Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 VND/USD và giảm trở lại còn 25.300 VND/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 VND/USD vào cuối năm", VDSC dự báo.
Tại họp báo mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiên trì thực hiện chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang mua - bán ngoại tệ, chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.
Thanh Hoa