Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đang quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp và củng cố môi trường đầu tư. Chính phủ coi việc phát triển kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động trong khi quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng thị trường vốn dài hạn ngay từ bây giờ |
Chính phủ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường tài chính. Quan tâm phát triển các loại thị trường hàng hoá dịch vụ, Khoa học công nghệ, bất động sản và thị trường vốn, thị trường tài chính.
Đánh giá về thị trường vốn hiện nay, Phó Thủ tướng nói: "Gánh nặng của huy động vốn phải chăng ngân hàng đang quá sức, Chúng ta cần xem tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào - giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn. Trong hoạt động tín dụng mất cân đối giữa tỷ trọng với các dịch vụ gia tăng, như phi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng chủ yếu là dựa trên nền tảng hoạt động tín dụng".
Mục tiêu đến 2020, tổng vốn hoá trên thị trường là 70% GDP. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhận mạnh về việc phải mở rộng thị trường vốn, trong đó chú trọng đến thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường chứng khoán.
"Trước đây kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) chỉ kéo dài khoảng 3 năm, giờ chúng ta phát hành 10, 20 thậm chí 30 năm. Tuy vậy, chúng ta phải làm gì để tái cơ cấu thị trường này, để tham gia nhiều hơn vào thị trường TPCP", ông nói.
Đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng vốn mỏng, ông Fiachra MacCana - Giám đốc điều hành trách nhiệm Khối Khách hàng tổ chức và nghiên cứu, Công ty CT Chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng, phát triển quỹ hỗ trợ vốn dài hạn là một trong những giải pháp các ngân hàng giải quyết tình trạng vốn mỏng. Đây là một trong những giải pháp các ngân hàng cần nâng vốn để giảm tình trạng vốn mỏng, đồng thời cung cấp các giải pháp để có gói vay dài hơn.
"Khi nói đến vấn đề dài hạn, chúng ta nói đến khoản vay thế chấp dài hạn, trong thời gian 30-40 năm. Trong khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ xây dựng được khoản vay dài hạn lớn, dựa vào quỹ hưu trí tư nhân - công cụ cung cấp vốn dài hạn hiệu quả. Đây cũng là một trong những giải pháp nâng nguồn vốn cho các doanh nghiệp", ông nói.
Vai trò của Chính phủ là làm thế nào để sửa đổi về luật thuế, luật doanh nghiệp. "Khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu thì thấy nói nhiều đến quỹ hưu trí tư nhân - một trong những mô hình Thái Lan tâm đắc. Sự phát triển quỹ hưu trí tư nhân cũng phát triển tại nhiều nước khác, Việt Nam có thể học hỏi để nâng nguồn vốn dài hạn", ông phát biểu tiếp.
Ông chia sẻ thêm, những người chưa có cơ hội tham gia vào thị trường nhà ở, bất động sản, khi có nguồn vốn, họ có thể tham gia. Vì vậy, chúng ta cần đào tạo cho lực lượng lao động Việt Nam trong 15-20 năm nữa sẽ được tiếp cận nguồn vốn dài hạn.
Ngoài ra, ông Fiachra MacCana cho rằng, Việt Nam cần đưa ra các giải pháp thu hút sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài, vị này cho rằng cần nhắc tháo dỡ quy định trần vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài, để họ có thể nắm giữ mức trần vốn lớn hơn. Chuyên gia này cho rằng, một số doanh nghiệp nước ngoài đã niêm yết nên xem là đối tượng quan trọng. Như tại Thái Lan, việc sử dụng chứng chỉ lưu ký đã giải quết bài toàn nâng trần và vẫn đảm bảo an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng giải quyết bài toán vốn, đại diện HSC đề xuất ý kiến các tổ chức tín dụng Việt Nam có thể liên kết các tổ chức tín dụng nước ngoài nhằm gia tăng tín nhiệm tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường vốn.
Thanh Hoa