Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, tổng lượng kiều hối chuyển về thành phố qua hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ giai đoạn 2012-2022 ước đạt 56 tỷ USD. Riêng giai đoạn 2020-2022, kiều hối về TP Hồ Chí Minh đạt trung bình 6-7 tỷ USD/năm.
Cụ thể, năm 2021 đạt cao nhất với hơn 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, lượng kiều hối giảm về 6,6 tỷ USD, dù vậy vẫn là mức cao.
Các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích người Việt ở nước ngoài chuyển tiền về thông qua tài khoản ngân hàng. |
Với lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh trong quý I đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến kiều hối về thành phố có thể đạt khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023.
Điều này có được là thành phố có cơ chế chính sách thông thoáng. Chẳng hạn, thân nhân không phải trả thuế thu nhập, có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển khoản. Cùng với đó là các hệ thống điểm giao dịch, đại lý, tổ chức chi trả rộng khắp, đáp ứng tốt nhất việc chi trả kiều hối.
Tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia cho "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn kiều hối trên địa bàn thành phố" mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, người nhận kiều hối ở Việt Nam bằng ngoại tệ, nhưng bây giờ phần lớn đều muốn nhận luôn tiền mặt VND.
Theo Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Trong khoảng 20 năm qua, dòng kiều hối đổ về Việt Nam không ngừng gia tăng, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho các tổ chức tín dụng để cân đối vốn cho vay ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá.
Trước đây, người Việt ở nước ngoài thường gửi tiền về cho người thân để hỗ trợ trang trải chi phí sinh hoạt, mua sắm đồ dùng gia đình nhưng gần đây, kiều hối trợ giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... nhiều hơn. Đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên họ mong được đầu tư và có hiệu quả cao nhất, có thể mua nhà tại Việt Nam hay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, ông Lệnh cho rằng cần làm sao có cơ chế để tỷ giá ổn định, tạo thuận lợi an tâm cho người hưởng thụ kiều hối.
Để tiếp tục mở rộng và thu hút nguồn kiều hối, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục khai thác tốt yếu tố trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục hàng đầu của cả nước.
Đồng thời, các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng hành lang pháp lý mới để bắt kịp xu hướng, thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh…
"Nhiều kiều bào Úc muốn sở hữu bất động sản tại quê nhà hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản ở Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan quản lý nghiên cứu chính sách thu hút nguồn lực kiều bào ở các nước phát triển, trong đó có Úc", ông Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học và Công nghệ - Đại sứ quán Việt Nam tại Úc nói.
Thanh Hoa