Theo thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng Viettel có 402.000 khách hàng sử dụng Mobile Money sau khi bắt đầu cung cấp dịch vụ này từ đầu tháng 12 năm ngoái. VNPT đến đầu tháng 2 có 186.200 khách hàng Mobile Money. Riêng Mobifone - nhà mạng triển khai dịch vụ từ 22/1 hiện chưa có số liệu người dùng, điểm chấp nhận thanh toán...
Theo Cục Viễn thông, đến hết năm 2021, thị trường có hơn 122 triệu thuê bao đang hoạt động. Như vậy, con số gần nửa triệu người dùng Mobile Money vẫn khá thấp (chưa tới 0,5%) và còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Cơ quan quản lý cũng chưa công bố tổng giá trị giao dịch của những người dùng Mobile Money này.
Cả nước đã có 588.000 người dùng dịch vụ Mobile Money. |
Trước đó, 3 nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm (đến cuối năm 2023) đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, cung cấp các dịch vụ mới tới người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số.
Theo ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, Mobile Money là dịch vụ giúp khách hàng có thể sử dụng thuê bao như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ các chức năng: nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ. Nhờ đặc điểm này, Mobile Money phù hợp với mọi tầng lớp người dân, tại mọi vùng miền trên đất nước.
Hiện nay, để thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, các nhà mạng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn như: VNPT có chương trình “Lì xì vàng – Tết rộn ràng” kéo dài đến ngày 25/2. Theo đó, chỉ cần thực hiện chuyển tiền lì xì online cho gia đình, bạn bè bằng Mobile Money của VNPT, giao dịch có giá trị tối thiểu 10.000 đồng sẽ được nhận 01 mã dự thưởng để tham gia quay số trúng vàng
Trước đó, trong văn bản gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm chỉ đạo các đơn vị này thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các nhà mạng ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Đặc biệt là địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng.
Mặc dù vậy, tại thời điểm hiện tại, nhiều người dân ở nông thôn vẫn còn khá ngại ngần với hình thức thanh toán mới này. Bởi người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Bên cạnh đó, nhiều người còn lo ngại về an ninh, bảo mật.
Khi thí điểm Mobile Money, đại diện một số doanh nghiệp viễn thông đều cho biết, sẽ áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất bằng sự phối hợp với các đơn vị an ninh mạng, không gian mạng đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Các phương pháp kỹ thuật hiện đại như công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.
“Với dịch vụ Mobile Money, được tích hợp các công nghệ hiện đại của ngành ngân hàng và viễn thông như định danh điện tử eKYC, AI/Bigdata, Machine Learning, QR code; các giải pháp thanh toán không tiếp xúc như NFC, sóng âm…, Mobile Money được đánh giá là giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi hàng đầu cho khách hàng hiện nay”, ông Hy cho hay.
Thanh Hoa