Đây là nội dung văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm chỉ đạo các đơn vị này thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán 2022.
Đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng là Vinaphone, MobiFone, Viettel đều đã được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị nhà mạng ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. |
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, không cần mạng Internet hay điện thoại thông minh, không cần có điện…, với Mobile Money, người dân vẫn có thể dễ dàng chuyển tiền, thanh toán… Chính vì đơn giản, tiện lợi, Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi văn hóa và thói quen người dân, nhanh chóng phổ cập thanh toán số ở khu vực nông thôn.
Khác biệt lớn nhất của Mobile Money so với ví điện tử là khách hàng có thể thanh toán dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tài khoản Mobile Money cũng có thể dùng thông qua USSD (bấm mã nhanh) trên các dòng điện thoại thông thường, không có kết nối internet.
Mặc dù vậy, tại thời điểm hiện tại, nhiều người dân ở nông thôn vẫn còn khá ngại ngần với hình thức thanh toán mới này. Ông Nguyễn Danh Cường, một người dân ở xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho hay, ở nông thôn, người dân vẫn sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Nguyên nhân là, ngoài thói quen chi tiêu tiền mặt, người dân còn lo ngại về an ninh, bảo mật.
Trên thực tế, lừa đảo qua điện thoại xuất hiện ngày càng nhiều. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, thời gian qua, nhiều người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên… đã bị mất tiền do dính chiêu lừa nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các đầu số 052…; +84563…; +84528…; +84582…; +4841900.... gọi điện, nhắn tin SMS hoặc qua Zalo tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hay như các đối tượng giả danh người có chức vụ, quyền hạn (công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông) hoặc giả danh nhân viên bưu điện, nhân viên viễn thông, điện lực, nhân viên ngân hàng… gọi điện cho nạn nhân, sau đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản người dân.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, để người dân yên tâm sử dụng dịch vụ Mobile Money, cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng lừa đảo qua điện thoại, bởi khi được triển khai, Mobile Money cũng sẽ trở thành miếng mồi béo bở của lừa đảo công nghệ.
Trong văn bản vừa ban hành nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán an toàn, ổn định và liên tục trong dịp sát Tết Nguyên Đán 2022, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM như: dự báo có khả năng xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến (khu công nghiệp, khu chế xuất) hoặc các địa bàn không có ATM và chi nhánh ngân hàng như: tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động);… Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định để có biện pháp xử lý hoặc phản hồi thỏa đáng, kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo tới khách hàng trên các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn tội phạm, hướng dẫn khách hàng cách thức sử dụng dịch vụ, giao dịch thanh toán an toàn dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022. NHNN cũng yêu cầu các trung gian thanh toán phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới khách hàng trên các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn tội phạm, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, thực hiện giao dịch an toàn trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022. |
Thanh Hoa