Theo chương trình, sáng ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, vấn đề về quản lý thị trường vàng làm “nóng” nghị trường khi hàng loạt đại biểu đặt câu hỏi về việc “Vì sao hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao; các giải pháp bình ổn, quản lý thị trường vàng…”.
Thống đốc cho biết sau khi thực hiện việc bán vàng miếng cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và công ty SJC, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế từ 15-18 triệu đồng/lượng hiện chỉ còn 3-4 triệu đồng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng từ quốc tế. "NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng", Thống đốc nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề quản lý thị trường vàng. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc bán vàng miếng của NHNN để bình ổn giá vàng được nhân dân người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. "Nếu người dân muốn bán vàng để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không", ông Hòa đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ vì sao chỉ Hà Nội và TP HCM áp dụng chính sách này mà không thực hiện trên cả nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường, do NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh và nhu cầu gia tăng hiện nay cũng chưa đặt vấn đề mua lại.
Các ngân NHTM Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. "Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua bán vàng bình thường. Chuyện doanh nghiệp mà không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối tiền", Thống đốc trả lời.
Về việc chỉ thực hiện chính sách ở Hà Nội và TP HCM, Thống đốc cho biết NHNN chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.
"Qua tổng hợp từ chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố, nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, TP HCM và đô thị lớn. Tỉnh thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng", Thống đốc nói.
Tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa nói vấn đề ngân hàng bán vàng miếng mà không mua lại từ người dân là "vấn đề hệ trọng". Trên thị trường vàng, các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán ở chợ đen. "Vậy tại sao ngân hàng bán lại không mua để thuận lợi cho người dân. Người ta cần tiền thì phải mua lại để họ còn sử dụng, lưu thông", ông nói.
Thống đốc cho biết tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo NHNN về bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng thì không như ngoại tệ. Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp. "Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", Thống đốc nói.
Thống đốc cho biết các đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng vẫn có chi nhánh mua bán và địa điểm giao dịch. Việc không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng rất cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro. "Mua giá vàng của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro. NHNN cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro", Thống đốc nói.
Đề cập đến giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thống đốc cho biết: Chúng ta chống vàng hóa, đôla hóa thì không khuyến khích người dân nắm giữ vàng.
“Giá trị vàng rất lớn nhưng khi nắm giữ có nghĩa là số tiền đó người dân không sử dụng được. Tiền đó chuyển hóa ra VND có cơ hội kinh doanh, đầu tư lĩnh vực khác như cho vay sản xuất; đầu tư cổ phần, cổ phiếu, chứng khoán...", Thống đốc phân tích.
Vì vậy, chính sách của NHNN là chống vàng hóa, không khuyến khích người dân trữ vàng, nhất là vàng miếng vì giá trị cao. "Vì vậy mới có chính sách Nhà nước độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ kinh doanh mua bán vàng", Thống đốc giải thích
Để không khuyến khích người dân mua vàng, như kinh nghiệm, theo Thống đốc, các nước có nhiều giải pháp. NHNN đang đánh giá tổng kết Nghị định 24 để có giải pháp hạn chế nắm giữ vàng.
Về đề xuất lập sàn giao dịch vàng để huy động vàng trong dân, Thống đốc cho hay một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.
"Khảo sát ở Trung Quốc, chúng tôi thấy thời gian đầu, Trung ương độc quyền vấn đề mua bán vàng miếng. Nhưng sau đó họ trao lại cho các ngân hàng thương mại rồi thành lập sàn vàng. Nhưng đặc thù họ có điều kiện kinh tế khác biệt, vì vậy cần cân nhắc để hoàn thiện đề án", Thống đốc nói.
Đồng thời, Thống đốc cho hay để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.
Theo Thống đốc, để lập sàn giao dịch vàng, NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Trước mắt, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ để xem xét giải pháp can thiệp. Giải pháp căn cơ là NHNN phối hợp bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định 24 để tham mưu Chính phủ giải quyết vấn đề tồn tại hạn chế, hướng tới sự ổn định.
"Quan điểm chung của NHNN, chủ trương chống vàng hóa thì làm sao vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu tư, đầu cơ. Còn đối với vàng tích lũy, NHNN sẽ có giải pháp đánh giá phù hợp để quản lý", Thống đốc nói.
Một giải pháp căn cơ mà NHNN trên cơ sở phối hợp các bộ các ngành trên cơ sở đánh giá tổng kết Nghị định 24, tham mưu với Chính phủ để có những giải pháp giải quyết những vấn đề có tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua để hướng đến sự ổn định.
Thanh Hoa