Về kết quả kinh doanh, PNJ vừa trải qua 2 tháng thua lỗ liên tiếp do 274 cửa hàng (chiếm 82% tổng số cửa hàng) phải đóng cửa để đảm bảo giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ là chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu. Vì vậy, PNJ đã ghi nhận 2 tháng 7 và 8 lỗ ròng với tổng 110 tỷ đồng.
Trong một báo cáo phân tích mới công bố, SSI Research ước tính, trong quý III/2021, PNJ dự kiến chỉ đạt doanh thu thuần 1.130 tỷ đồng, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 75% so với quý II/2021.
PNJ lên kế hoạch vay thêm 1.260 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, bảo lãnh. |
Doanh thu giảm khiến trong quý III/2021, công ty ghi nhận lỗ ròng 140 tỷ đồng (quý III/2020 lãi ròng 202 tỷ đồng). Như vậy, mức lỗ của riêng tháng 9/2021 vào khoảng 30 tỷ đồng.
Đánh giá về “bức tranh” tài chính của PNJ, một chuyên gia tài chính cho rằng, hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều chịu tổn thất nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19 và được dự báo sẽ trải qua sự sụt giảm mạnh hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do dịch kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sự sụt giảm trong tổng cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn do các biện pháp kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, tạo ra những áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong những tháng cuối của năm 2021. Do đó, những doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ như PNJ cũng không ngoại lệ.
Chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn và dự báo trong quý IV các biện pháp phòng chống dịch dần được nới lỏng, tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin ngày càng cao, theo đó PNJ sẽ mở cửa lại các cửa hàng hiện hữu, đồng thời thực hiện kế hoạch gia tăng thị phần bán lẻ. Điều này sẽ giúp cho doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng trở lại trong quý cuối năm.
Rõ ràng trong bối cảnh lợi nhuận của PNJ lỗ ròng 3 tháng gần đây, việc mở lại hơn 200 cửa hàng kinh doanh sẽ cần một nguồn vốn rất lớn. Đây có lẽ cũng là lý do Hội đồng quản trị PNJ vừa ra nghị quyết về hạn mức tín dụng vay vốn ngân hàng là 1.260 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, bảo lãnh.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2021, tại thời điểm 30/6, PNJ có tổng tài sản 9.176 tỷ đồng. Như vậy, khoản vay sẽ tương đương 14% tổng tài sản của PNJ.
Công ty hiện đang vay ngắn hạn 2.125 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản, trong đó 173 tỷ đồng vay cá nhân (là khoản vay tín chấp từ cán bộ công nhân viên của tập đoàn, có thời hạn vay 12 tháng và chịu lãi suất 3-7,6%/năm) và hơn 1.950 tỷ đồng là vay các ngân hàng như: Vietcombank (547 tỷ đồng), BIDV (420 tỷ đồng), Vietinbank (371 tỷ đồng), SeABank (201 tỷ đồng), HSBC (186 tỷ đồng)... Các khoản vay này có lãi suất dao động trong khoảng 5% và hầu hết đều có tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, nhà cửa và hàng tồn kho.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo PNJ cho biết, do dịch Covid-19, PNJ phải dự phòng cho tính thanh khoản nên cần phải dự trữ một lượng vốn bằng vàng và tiền mặt dự phòng kinh tế khó khăn hơn trong thời gian tới, nguồn dự phòng để chống chọi trong tình huống xấu. Do đó, từ năm 2020 PNJ chấp nhận tăng lãi suất tiền vay để tăng tính thanh khoản cho công ty.
Cụ thể, khoản nợ đi vay hết năm 2020 là 1.839 tỷ đồng, đều là nợ ngắn hạn, chiếm 22% tổng tài sản của PNJ. Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của PNJ đạt 8.483 tỷ đồng, giảm 120 tỷ so với con số đầu năm. Trong đó, khoản tiền mặt của công ty tăng đột biến 4,4 lần so với đầu năm lên 422 tỷ đồng.
Thanh Hoa