Tình hình làm ăn trong quý 2/2022 của “gã khổng lồ” cho vay tiêu dùng FE Credit vừa được hé lộ cho thấy đạt 13.300 tỷ đồng doanh số giải ngân, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 15,5% so với quý liền trước. Lũy kế 6 tháng, doanh số giải ngân của FE Credit đạt 30.700 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Từ “gà đẻ trứng vàng” bỗng dưng lợi nhuận đi xuống
Tổng thu nhập hoạt động trong quý 2/2022 của FE Credit đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ và tăng 2,6% so với quý 1/2022.
Riêng về mặt lợi nhuận, điều khiến nhiều người bất ngờ là tính luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, FE Credid ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 130 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ.
FE Credit từng được ví như “gà đẻ trứng vàng”, nhưng việc sụt giảm lợi nhuận đến 89% trong nửa đầu năm nay chỉ sau một thời gian ngắn về tay "ông lớn" Nhật Bản như SMBCCF khiến dư luận bất ngờ. |
Bất ngờ là vì hồi quý 1/2022, FE Credit ghi nhận sự hồi phục tích cực sau tác động của đại dịch Covid-19, với lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, được đánh giá là vượt cả năm 2021. Mức lợi nhuận khủng đến nỗi nhiều người ví như “gà đẻ trứng vàng” trước sự béo bở của “miếng bánh” cho vay tiêu dùng.
Cần nhắc lại, hồi tháng 10/2021, công ty chủ quản đã bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Nên biết rằng SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc. Trong khu vực châu Á, SMBCCF đã thành lập nhiều công ty con tại Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc.
Chính vì vậy, việc sụt giảm lợi nhuận đến 89% trong nửa đầu năm nay chỉ sau một thời gian ngắn về tay "ông lớn" Nhật Bản như SMBCCF mới là điều khá lạ lùng!
Nhất là khi FE Credit được cho là doanh nghiệp (DN) có số dư nợ vay lớn nhất thị trường tiêu dùng, hiện chiếm hơn 52% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước. FE Credit cũng được định giá 2,8 tỷ USD và nâng vốn điều lệ từ 7.328 tỷ đồng lên 10.928 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, trên website của mình, phía FE Credit tự cho rằng họ liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị phần tài chính tiêu dùng với mạng lưới trải dài trên toàn quốc tại hơn 21.000 điểm bán hàng cùng hơn 16.000 nhân viên.
Nên biết thêm, trước đó không ít dự báo cho rằng FE Credit sẽ phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Lợi nhuận trước thuế của DN này có thể đạt hơn 1.500 tỷ đồng trong năm nay nhờ cho vay tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.
Tai tiếng đòi nợ kiểu “khủng bố”
Ngoài thắc mắc quanh chuyện lợi nhuận sụt giảm thì nhiều năm nay, FE Credit liên tiếp dính tai tiếng vì dịch vụ cho vay tiền với lãi suất cao, và kiểu hành xử khi đòi nợ.
Mới nhất là hồi tháng 5/2022, như phản ánh từ truyền thông, chỉ vì một số giáo viên cấp THPT ở huyện Yên Thành (Nghệ An) vay tín chấp của FE Credit mà hàng loạt giáo viên cũng bị quấy rầy, đe dọa bởi những cuộc điện thoại đòi nợ.
Có giáo viên cho rằng họ đã thanh toán xong nhưng sau đó bỗng dưng nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ, thông báo vẫn còn nợ FE Credit. Tiếp đó, điện thoại của giáo viên và người thân, đồng nghiệp liên tục bị quấy phá, đe đọa. Một số hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng bị “khủng bố” đòi nợ, cắt ghép ảnh đưa lên mạng xã hội với các nội dung vu khống.
Trước sức ép quá lớn, một số giáo viên đã phải bỏ việc, chấp nhận cuộc sống khó khăn vì thấy áy náy với lãnh đạo, đồng nghiệp. Sự việc nói trên không chỉ diễn ra ở Nghệ An mà còn có ở nhiều nơi khác, gây hoang mang, bức xúc.
Quan sát chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật đã kéo dài rất lâu và ảnh hưởng tới rất nhiều người vô can, rất cần cơ quan công an vào cuộc khi mà vấn đề đòi nợ kiểu “khủng bố” của các công ty cho vay tiêu dùng gây nhức nhối trong dư luận nhiều năm nay nhưng thiếu sự chấn chỉnh của cơ quan quản lý.
Trong chuyện đòi nợ kiểu “xã hội đen” của một số công ty cho vay tài chính tiêu dùng, anh Trần Văn Châu (trú quận 11 Tp.HCM) cho rằng bản thân anh cũng từng bị vạ lây từ người trong gia đình. Và không hiểu sao, những công ty này lại có được thông tin, khủng bố tinh thần người khác bằng cách bôi nhọ danh dự nhân phẩm những người thân quen khi bị khủng bố liên tục đủ thứ.
Còn theo anh Trần Văn Thắng (trú quận 7, Tp.HCM), dù không liên quan đến các món của các công ty cho vay tài chính tiêu dùng, nhưng vẫn liên tục nhận được tin nhắn đòi nợ mang tên người không quen biết, bọn chúng dùng phần mềm nhá máy điện thoại 40 phút 1 lần suốt ngày đêm liên tục 5 ngày, nhá máy bằng nhiều số điện thoại khác nhau.
Theo giới phân tích, thị trường chỉ có vài công ty tài chính đang thống lĩnh cho vay tiêu dùng cá nhân, điển hình như FE Credit khi phục vụ 12 triệu khách hàng (chủ yếu là phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp), cho nên khó tránh chuyện lãi vay bị đẩy lên trời và người vay bị biến thành “tù nhân” với gánh nợ nặng vai.
Vì vậy, khi vay tiêu dùng đòi hỏi người dân cần trang bị kiến thức quản lý tài chính, cũng như cơ quan chức năng ban hành các quy định yêu cầu đối với đơn vị cho vay phải minh bạch các điều khoản, từ ngữ hợp đồng dễ hiểu và đặc biệt phải đưa các cảnh báo rủi ro khi vay lên phía trên của hợp đồng để người vay được rõ.
Bởi lẽ, nếu không thận trọng, tiếp cận các dịch vụ một cách dễ dàng, rất nhiều người dễ bị “cầm tù” từ những khoản vay tiêu dùng, bởi dù nhỏ nhưng với lãi suất trên trời sẽ trở thành gánh nặng trong cuộc sống của họ.
Mặt khác, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn những công ty cho vay tài chính tiêu dùng như FE Credit nên có phương châm tìm kiếm lợi nhuận từ việc phục vụ con người thay cho những điều tiếng lâu nay trong chuyện đòi nợ.
Thanh Loan