Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 16/6/2023, chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 6 với tổng giá trị 600 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 35.213 tỷ đồng, bao gồm 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 24 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.692 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).
Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp hàng quý theo số liệu thống kê của VNDirect. |
Trong khi phát hành trái phiếu mới khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải tăng mua lại trái phiếu. Từ đầu tháng 6 tới ngày công bố thông tin 16/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.868 tỷ đồng trái phiếu.
Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 86.720 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022).
Áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 182.445 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 93.719 tỷ đồng, chiếm 51,4%, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.161 tỷ đồng, chiếm 17,1%.
Trước đó, trong tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm tới 65% giá trị mua lại.
Trong phần còn lại của năm 2023, VBMA cho biết tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 187.311 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 96.820 tỷ đồng, chiếm 51,7%, theo sau là nhóm ngân hàng với 31.661, chiếm 16,9%.
Trong thời gian qua, để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế và khơi dậy niềm tin của người dân để thị trường phát triển bền vững.
Đặc biệt, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu đã phát hành trước đây (thời gian gia hạn tối đa không quá 2 năm); ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Nghị định góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.
Vào cuối tháng 5/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 11,6% GDP năm 2022.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phát hành báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á. Trong đó, ADB cho biết, đã có một số vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Đánh giá riêng về thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam, ADB lưu ý, sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp đã giúp thị trường trái phiếu tổng thể của Việt Nam tăng 5,1% so với quý trước, lên tới 111,9 tỷ USD.
Đáng nói, hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp tăng lên sau khi Chính phủ nới lỏng một số quy định về trái phiếu, dẫn tới việc phát hành trở lại trong quý này.
Theo ngân hàng ADB, từ 1/3 đến 2/6/2023, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm đối với tất cả các kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy ổn định tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Thanh Hoa