Tại họp báo ngày 6/4 của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhận định, thị trường TPDN của Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của thị trường rất mạnh mẽ, nhưng nền tảng cơ sở lại chưa kịp đáp ứng.
Các chuyên gia cho rằng nếu “lỗ hổng” thị trường không được vá lấp kịp thời thì tình trạng che giấu, công bố thông tin sai sự thật trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ như trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua sẽ còn tiếp diễn.
Nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý
Chẳng hạn, nhìn từ phía nhà phát hành, rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu kể cả các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản bảo đảm và thông tin doanh nghiệp cũng chưa được vững chắc.
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên tục leo dốc nhưng độ bền vững thì chưa có, nguy cơ trở thành thị trường rủi ro rất lớn.
Về phía nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, vẫn còn tâm lý đầu tư theo tính “bầy đàn”. Trong khi đó, việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành vẫn còn rất hạn chế. “Rõ ràng, nhìn từ nhiều phía thì sự sẵn sàng về pháp lý, về thông tin, về trình độ chưa bảo đảm cho phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, chuyên gia ADB cho rằng vẫn nên khuyến khích sự phát triển của thị trường TPDN, nhưng phải nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, cải thiện kiến thức, kỹ năng của tất cả các thành viên tham gia thị trường TPDN.
Không bình luận trực tiếp vào câu chuyện của Tân Hoàng Minh, song chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nêu quan điểm: Thời gian gần đây, khu vực kinh tế từ nhân của Việt Nam rất phát triển, nhiều tập đoàn lớn bắt đầu xuất hiện. Do đó, thị trường không chỉ tác động bởi các doanh nghiệp nhà nước mà còn bị tác động bởi các doanh nghiệp tư nhân.
Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước thì xu hướng tập trung vào quản lý thị trường và đặc biệt là hạn chế những vấn đề mang tính thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng.
Ở góc độ cơ qua quản lý, nhìn từ vụ việc liên quan đến 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ, Bộ Tài chính cho biết đang soạn thảo, sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, trong đó đề xuất đặt ra các điều kiện chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn với nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trái phiếu riêng lẻ.
Nguy cơ trở thành thị trường rủi ro
Rõ ràng, những nhận định của ADB rất đúng với những diễn biến của thị trường TPDN Việt Nam. Minh chứng cho điều này là trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh lại hàm chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Chúng tôi nhận thấy có không công bằng về xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành TPDN. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn trong lĩnh vực này. Việc các trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng".
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu.
Số liệu công bố mới nhất trong 2 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, có khoảng 25.894 tỷ đồng TPDN được phát hành, khối lượng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất trong tháng 1, còn nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất trong tháng 2.
Thậm chí, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và các tổ chức thực chất sử dụng vốn.
Gần đây nhất là vụ việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin.
Nói như chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh thì, Việt Nam rất mong muốn phát triển thị trường trái phiếu và trong thực tế thị trường này đã phát triển ngoài mong đợi của các nhà quản lý. Tuy nhiên về độ bền vững thì chưa có, nguy cơ trở thành thị trường rủi ro rất lớn. Từ đó, gây nguy hại đến một phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc siết chặt quản lý là điều cần thiết.
Thanh Hoa