Nhiều lần từ chối, nhưng vẫn bị nhân viên Công ty Tài chính này nhắn tin mời vay tiền; không liên quan đến khoản nợ nhưng vẫn bị gọi điện quấy rầy; khoản nợ đã tất toán từ lâu nhưng vẫn bị "khủng bố" tinh thần... là những thông tin mà một số người tiêu dùng phản ánh đến Thời báo Kinh Doanh gần đây.
Nỗi ám ảnh đến từ... tin nhắn
Trong tâm trạng bức xúc, anh Duy (Hà Nội) chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về việc bị nhân viên kinh doanh dịch vụ cho vay tài chính tiêu dùng “khủng bố” điện thoại dù không vay tiền. Theo đó, vào giữa tháng 4/2020, anh liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ nhiều số máy lạ xưng là nhân viên cho vay tài chính. “Những người này hỏi tôi có phải là Võ Thị Hoàng Tiên không và cho biết số điện thoại của tôi đã được dùng để tham chiếu làm hợp đồng vay nợ. Mặc dù tôi khẳng định không phải Võ Thị Hoàng Tiên, cũng không có người nhà tên như vậy và cũng không vay nợ của công ty này nhưng họ vẫn liên tục gọi điện yêu cầu tôi thanh toán khoản nợ đó”, anh Duy cho biết.
Tin nhắn đòi nợ có nội dung đe doạ khách hàng. |
"Quá bức xúc, tôi đưa thông tin này lên trang Facebook cá nhân thì nhận được rất nhiều tin nhắn của bạn bè cho biết cũng đang trong tình cảnh bị "khủng bố" đòi nợ giống tôi", anh Duy cho hay.
Tương tự, vào đầu tháng 2/2020, anh Lương (Hà Nội) bỗng nhiên nhận được những cuộc điện thoại đòi nợ số tiền 40 triệu đồng từ nhân viên cho vay tài chính tiêu dùng. Dù anh Lương đã giải thích là chưa bao giờ dùng thẻ tín dụng cũng như vay tiền tại doanh nghiệp này và yêu cầu xoá số điện thoại của anh ra khỏi hệ thống, nhưng những ngày sau đó vẫn có liên tiếp các cuộc gọi, tin nhắn "khủng bố" với lời lẽ đe dọa.
Cùng chịu cảnh bị “tra tấn” từ cho vay tài chính tiêu dùng, nhưng câu chuyện của chị Mai Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) lại không phải là đòi nợ mà là mời vay tiền. "Tuần nào tôi cũng nhận từ 5-7 tin nhắn mời vay tiền. Mặc dù tôi đã nhắn tin gửi đến tổng đài thông báo không có nhu cầu vay tiền và đề nghị bỏ số điện thoại của tôi ra khỏi hệ thống nhưng đến nay vẫn liên tục nhận được những tin nhắn phiền toái như vậy", chị Hương cho hay.
Có thể thấy, thời gian qua, rất nhiều khách hàng đã gặp bức xúc liên quan đến lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, sự phát triển nóng trong khi việc đào tạo nhân viên không theo kịp, việc quản lý, giám sát không chặt chẽ đã khiến hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân.
Các công ty tài chính có vi phạm Thông tư 18?
Để tìm hiểu căn nguyên của những tồn tại nêu trên, phóng viên Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trao đổi với FE Credit-đơn vị triển khai dịch vụ tín dụng tiêu dùng để có những thông tin đầy đủ hơn. Đại diện của FE Credit cho rằng: "Đối với FE Credit, công ty chủ trương chỉ thu hồi nợ đối với đối tượng có quan hệ tín dụng với FE Credit. Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh thị trường phức tạp, có rất nhiều băng nhóm thực hiện hành vi buôn bán thông tin và làm giả hồ sơ một cách tinh vi nhằm đánh lừa FE Credit cũng như các công ty tài chính khác để thực hiện hợp đồng vay. Bên cạnh các công ty tài chính được cấp phép hoạt động, trên thị trường vẫn có những ứng dụng vay và tổ chức tài chính không chính thống với cách vận hành lỏng lẻo và thiếu tính minh bạch đã tiến hành các cuộc giao dịch với khách hàng nhưng lại mạo danh FE Credit để thực hiện hành vi thu hồi nợ. Điều này ảnh hưởng đến ấn tượng của khách hàng đối với FE Credit và ngành tài chính tiêu dùng nói chung".
Về cách thức nhắc nợ với khách hàng, đại diện FE Credit khẳng định, trong quá trình thực hiện công tác thu hồi nợ, FE Credit luôn đề cao việc tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như quy định nội bộ có liên quan. Việc nhắc nợ chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
Như vậy có thể thấy, trong những tin nhắn khách hàng cung cấp cho phóng viên, đều có sự đe dọa khiến khách hàng vô cùng bức xúc. Điều này đã vi phạm Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính như: các công ty tài chính không được sử dụng biện pháp đe dọa để đòi nợ đối với khách hàng, đồng thời không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về khoản nợ cho người thân của khách hàng (trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan quản lý).
Huyền Anh