Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bác bỏ tin đồn thất thiệt và khẳng định: NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài.
Ông Quang cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.
Theo ông Quang, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ giá căng thẳng.
Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.
NHNN khẳng định với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. |
Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh.
Chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỉ USD, tăng 19,7 tỉ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỉ giá trong thời gian tới.
Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế khiến chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền âm, thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại.
Áp lực càng tăng khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỉ giá.
Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô la Đài Loan (-5,06%), Baht Thái (-6,31%), Won Hàn Quốc (-5,66%), Yen Nhật (-10,87%), Rupiah Indonesia (-3,87%), Peso Philippines (-4,82%), Nhân dân tệ (-2,04%).
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng.
Còn doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ tới đây có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn.
Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND.
“Với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt”, ông Quang khẳng định.
"Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỉ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn", ông Quang khuyến cáo.
Thanh Hoa