Vấn đề đặt ra là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để hài hòa giữa hai mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?
Lãi suất thấp khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực
Sau khi tiếp nối xu hướng giảm trong quý I, sang đến tháng 4, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 0,2 – 0,4 điểm % và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp, thậm chí vẫn thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) vẫn duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất còn thể hiện trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND. Ngoài ra, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản khác phần nào tác động tới tỷ giá trong giai đoạn qua. Từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD.
NHNN khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất tăng hay giảm, mà vẫn duy trì lãi suất điều hành hiện nay. |
Mặc dù dự trữ ngoại hối luôn được NHNN củng cố, cùng với sự hỗ trợ tích cực bởi dòng vốn FDI giải ngân đạt cao khi 4 đầu năm nay đạt 6,28 tỷ USD - mức cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, nguồn kiều hối về mạnh, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh 4 tháng qua đã đạt gần 2,9 tỷ USD; xuất siêu trong 4 tháng đầu năm cũng đạt 8,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng như nhận định của các chuyên gia, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt khoảng từ 3-4 tháng nhập khẩu, cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề xuất.
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mức giảm giá gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn. Thực tế, gần đây, NHNN đã có những động thái nhằm ổn định tỷ giá, như ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở.
UOB dự báo trong quý II/2024, tỷ giá là 25.600 VND/USD, trong quý III/2024 là 25.100 VND/USD, trong quý IV/2024 là 24.800 VND/USD và trong quý I/2025 là 24.600 VND/USD.
Từ ngày 11/3, NHNN đã tiến hành bán gọi thầu tín phiếu theo hình thức đầu thầu khối lượng; từ đó dần dần định hướng và đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức cao hơn. Theo đó, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất tiền USD và tiền VND trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá tiếp tục tăng theo biến động của thị trường thế giới.
NHNN sẽ ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế tỷ giá
Trước áp lực tỷ giá thường trực, để đảm bảo các cân đối vĩ mô, NHNN được dự báo buộc phải gia tăng cường độ và liều lượng các biện pháp điều hành. Đặc biệt, theo sát chỉ đạo mới đây của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao NHNN điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Dự báo, NHNN sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất. TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital cho rằng, áp lực tỷ giá có thể khiến NHNN nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới.
Báo cáo phân tích mới đây của HSBC cho biết, trong bối cảnh áp lực lên VND đang gia tăng, đã có những băn khoăn liệu điều này có thúc giục NHNN tăng lãi suất hay không? Nhưng HSBC đánh giá, khả năng này sẽ không xảy ra. Việc tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế và đây cũng không phải “liều thuốc” hỗ trợ đồng nội tệ.
Shinhan Bank cũng đưa ra nhận định, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất, đơn giản thủ tục, kích cầu tín dụng... nên mặc dù phải đối mặt nhiều yếu tố rủi ro như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng NHNN thay đổi quan điểm trong điều hành chính sách tiền tệ là không cao.
Ở góc độ NHNN, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỷ giá được ổn định. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 về chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỷ giá.
Có giảm lãi suất nữa không khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp hiện nay? Ông Tú nêu rõ quan điểm: Hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.
Cho đến thời điểm này, NHNN cho biết chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, dựa trên lợi thế cạnh tranh, công nghệ, tiết giảm chi phí...
"Thời gian qua, tỷ giá có dao động, đồng nội tệ mất giá, có thời điểm lên đến 5,9%, khiến chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng lên, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chưa chắc hưởng lợi cũng là thế khó cho Việt Nam.
NHNN đang cố gắng dùng nhiều biện pháp để ổn định tỷ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ dùng dự trữ ngoại hối, đây là biện pháp mạnh. Trong các chính sách của NHNN, doanh nghiệp xuất khẩu luôn được ưu tiên", ông Tú khẳng định.
Huyền Anh