Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến hết tháng 01/2023 là gần 17.5 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1
Trong tháng này, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị TPDN đến hạn) và doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. |
Đặc biệt, sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh. Điển hình, trong tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163 ngàn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi đó, lượng phát hành TPDN mới giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến 30/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Còn theo tính toán của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023 - 2025, khoảng hơn 700 ngàn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.
Riêng nhóm bất động sản, các doanh nghiệp đã phát hành gần 215 ngàn tỷ đồng năm 2021 và 50 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022, xếp thứ 2 về khối lượng, sau các tổ chức tín dụng), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới, khoảng 115 ngàn tỷ đồng/năm, chưa tính tiền lãi.
Gia hạn nợ TPDN thêm 2 năm?
Nhóm phân tích Chứng khoán KB (KBSV) mới đây cũng đưa ra nhận định, trong năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn là 120.400 tỷ đồng. Áp lực trả gốc và lãi trái phiếu trong bối cảnh hạn chế tín dụng cùng với mở bán dự án chậm có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các chủ đầu tư.
Mặt khác, các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh so với đầu năm phản ánh những thông tin tiêu cực về thị trường bất động sản. Triển vọng của các cổ phiếu này trong ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng.
Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, TS Cấn Văn Lực cho biết các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...) để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Do đó, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới. Trong khi đó, áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024 nên để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ. Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa là 02 năm.
Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép gia hạn này, về mặt tổng thể thị trường cũng sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024 (đối với trái phiếu đáo hạn vào 2023-2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025-2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng như hiện nay, theo đó đến giai đoạn năm 2025-2026 doanh nghiệp sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ. Việc gia hạn trái phiếu phải được các chủ sở hữu trái phiếu đại diện trên 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành chấp thuận (như quy định hiện hành), quy định này thống nhất với quy định đối với trái phiếu chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Thanh Hoa