Thời gian qua, giá vàng liên tục biến động. Có thời điểm, giá vàng đã vượt đỉnh lịch sử, gồm cả vàng nhẫn, vàng trang sức, trong khi giá vàng miếng SJC lên tới gần 82 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn cũng đạt kỷ lục tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng.
Mặc dù, những ngày gần đây, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng giảm, được cho là do tác động của diễn biến giá vàng thế giới khi chịu ảnh hưởng tâm lý chờ đợi động thái của các ngân hàng trung ương, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất và dự báo kinh tế.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn neo ở mức cao và khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới luôn duy trì từ 13-16 triệu đồng/lượng.
Để kiểm soát giá vàng và USD cần phải triển khai đồng bộ một loạt giải pháp. |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính ngày 18/3, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị có giải pháp quản lý thị trường vàng và giá USD biến động mạnh thời gian qua.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết lĩnh vực này thuộc về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Với chức năng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Bộ Tài chính quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao thì hàng lậu không tuồn vào.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, phía Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này. Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỷ USD hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không.
"Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này", ông Phớc nói.
Về phương pháp kiểm soát giá vàng và USD, Bộ trưởng nêu quan điểm phải triển khai đồng bộ một loạt giải pháp.
Cụ thể, về giá vàng thì liên quan đến tình hình cung - cầu, liên quan đến xuất nhập khẩu. "Chúng ta có nên siết chặt kinh doanh vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào, có nên nhập khẩu vàng không? Đây là những câu hỏi đang được đặt ra", Bộ trưởng nêu.
Trong khi đó, với USD, Bộ trưởng cũng cho rằng cần một loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng giá USD trong nước. Khi đồng tiền Việt Nam hạ giá thì cũng có lợi cho xuất khẩu. “Tuy nhiên, tác động của xuất khẩu thế nào, đồng tiền của mình phải làm thế nào để không mất giá trước USD thì cần nhiều giải pháp điều hành tiền tệ ”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu quan điểm.
Liên quan đến quản lý thị trường vàng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 2 về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Cụ thể, văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.
Gắn với đó là việc giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Mục tiêu nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.
Thanh Hoa