Theo ghi nhận của VnBusiness, hiện giá vàng miếng SJC bán ra đang quanh mức 82 triệu đồng/lượng - mức cao kỷ lục. Giá vàng tăng "điên loạn" thời gian qua là một phần nguyên nhân khiến áp lực đối với tỷ giá USD/VND tăng cao.
Tính chung, tuần qua, giá vàng miếng SJC tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, giá vàng nhẫn tăng tới khoảng 3 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu năm, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 13%. Đáng chú ý, biên độ chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng 14,5 - 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng 'nóng' đã tác động mạnh đến tỷ giá USD/VND. |
Đằng sau cơn sốt giá vàng đã tác động không nhỏ đến tỷ giá USD/VND. Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cơn sốt giá vàng trong dân dường như đang quay trở lại trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn. Điều này tác động không nhỏ đến áp lực tỷ giá. Mặc dù NHNN đã kiểm soát chặt chẽ việc nhập vàng chính ngạch nhưng vàng lậu bằng cách nào đó vẫn có thể tuồn vào Việt Nam theo nhiều đường để hưởng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Xu hướng tỷ giá thị trường chợ đen tăng cao có lúc cao hơn tỷ giá ngân hàng niêm yết đến 1.000 đồng/USD có thể là một trong những minh chứng cho nhu cầu nhập khẩu tiểu ngạch tăng cao, trong đó có vàng.
Đồng tình, bà Trần Thị Hà My, thuộc Bộ phận phân tích của VDSC cũng chỉ rõ các yếu tố nội tại tác động tới tỷ giá trong thời gian qua, trong đó có giá vàng.
"Giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2/2024 thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. Thông thường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng của tỷ giá USD/VND càng mạnh, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do", bà My nói.
Theo thống kê, áp lực mất giá tiền đồng tiếp tục duy trì trong tháng 2/2024 và trong tuần đầu của tháng 3. Cụ thể, tiền đồng tiếp tục mất giá thêm 0,91% trong tháng 2, cao hơn mức mất giá 0,6% trong tháng đầu năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá gần 2% trên thị trường liên ngân hàng và xấp xỉ 3% trên thị trường tự do.
Ghi nhận của VnBusiness, tỷ giá bán tại Vietcombank ghi nhận mức cao kỷ lục là 24.870 đồng/USD, cao hơn 450 đồng/USD so với cuối năm 2023. Tại thị trường tự do, tỷ giá USD/VND lên tới đỉnh kỷ lục xấp xỉ 25.700 đồng/USD.
Giới phân tích nhận định, xu thế giá vàng trong nước và thế giới liên tiếp phá đỉnh mới và vẫn còn được kỳ vọng tăng tiếp trong thời gian tới tạo nên rủi ro tiềm ẩn rất lớn buộc NHNN phải có biện pháp xử lý để không gây ra những hệ luỵ cho nền kinh tế, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng.
Các chuyên gia phân tích, giá vàng tăng trong khi lãi suất tiền gửi thấp khiến người dân rút tiền để đầu cơ vàng, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng. Do đó, lãi suất huy động sẽ tăng theo, khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế của NHNN khó đạt được.
Với việc tỷ giá USD/VND tăng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu khi thị trường này đang bật tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm.
Bà Trần Thị Hà My cho rằng, NHNN có thể sẽ cần sử dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng trong tháng 3 này.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ở những thời điểm căng thẳng thì NHNN có thể phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Việc tung USD ra cũng đồng nghĩa với việc hút VND về. Điều này sẽ gây áp lực đến thanh khoản của nền kinh tế vốn đang rất cần vốn để phục hồi kinh tế. NHNN có thể thực hiện chính sách vô hiệu hóa bằng cách mua giấy tờ có giá của ngân hàng thương mại để tiếp tục bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Nhưng nếu việc bơm hút không nhịp nhàng cũng dễ dẫn đến các cú sốc trong ngắn hạn.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ tỷ giá đang xuất hiện trên thị trường.
Thanh Hoa