Tỷ giá USD tiếp tục ghi nhận biến động mạnh trong tháng 4. Theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tính đến ngày 25/4, tiền đồng đã mất giá khoảng 3,8-4,3% trên thị trường chính thức và phi chính thức.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hàng loạt biện pháp can thiệp nhằm ổn định tỷ giá. Theo đó, trong tháng 4, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng miếng nhằm thu hẹp chênh lệch giá bán trong nước và thế giới; đẩy lãi suất liên ngân hàng nhằm hạn chế các hoạt động (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ), đồng thời bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
Phân tích kỹ hơn về hoạt động tiền tệ trong tháng 4/2024, các chuyên gia WiGroup cho biết biến động thanh khoản ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng đã khiến NHNN phải sử dụng linh hoạt 2 công cụ trên thị trường OMO.
Trong đó, hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn, và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời tín phiếu – kỳ hạn 28 ngày được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn.
Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt biện pháp can thiệp nhằm ổn định tỷ giá trong tháng 4. |
Tính đến ngày 3/5, NHNN đang duy trì trạng thái bơm ròng gần 62 nghìn tỷ nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn. Theo đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của NHNN.
“Theo thông tin từ các kênh của chúng tôi, NHNN đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD (trên tổng số dự trữ ngoại hối gần 90 tỷ USD – tính đến năm 2023). Chúng tôi cho rằng, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024”, các chuyên gia WiGroup nhận định.
Theo số liệu từ NHNN và IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 ước khoảng 93-100 tỷ USD, trong đó dự trữ vàng ước tính chỉ khoảng 666 triệu USD (tương đương 7-8 tấn vàng) tại thời điểm tháng 11/2023. Với quy mô nhập khẩu bình quân 12 tháng gần nhất khoảng 28 tỷ USD/tháng thì mức dự trữ ngoại hối chỉ hơi dư so với ngưỡng an toàn.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hiện dư địa can thiệp bằng dự trữ ngoại hối là có, tuy nhiên khả năng kiểm soát mức mất giá của tiền đồng trong phạm vi 5% sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến bên ngoài.
"Trong trường hợp chỉ số DXY tiếp tục tăng vượt ngưỡng 110 thì tỷ giá cũng khó có thể kiềm giữ ở mức 5% như mong muốn của NHNN", theo VDSC.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS), đánh giá tỷ giá hiện đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. "Nỗ lực mạnh mẽ của NHNN đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường, nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4. Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 đồng/USD trong quý II năm nay nhờ sự ổn định của môi trường vĩ mô, là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm nay", bà Hiền nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia WiGroup còn cho rằng nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá là do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).
Cùng với đó, nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến sẽ tăng cao; đồng thời, NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, hướng tới tỷ giá VND – USD trong giao dịch kỳ hạn…
Các chuyên gia của Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng UOB, cho rằng việc NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 đã giúp kiểm soát biến động tỷ giá. Dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật sẽ là 25.600 đồng trong quý II và hạ nhiệt dần vào 24.800 đồng đến cuối năm nay.
Thanh Hoa