Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ 30 ngày 3/10 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 1.822,22 USD/ounce, giảm 26,22 USD/ounce (-1,42%).
Giá vàng SJC tiếp tục tăng dù giá vàng thế giới liên tục giảm sâu, đẩy khoảng cách hiện tại giữa hai mức giá được nới lên mức cao kỷ lục trong năm 2023. (Ảnh: Int) |
Giá vàng thế giới kéo dài xu hướng giảm về gần ngưỡng 1.800 USD/ounce, khi đồng USD bật tăng phi mã, vượt mốc 107 sau khi dữ liệu kinh tế mới một lần nữa ủng hộ quan điểm rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Mặt khác, mặt hàng liên quan mật thiết tới giá vàng là dầu “lao dốc không phanh” do hàng loạt các yếu tố tác động. Đó là hợp đồng dầu Brent tháng 11 đã hết hạn, đồng USD mạnh lên và các nhà giao dịch chốt lãi, lo ngại về nguồn cung dầu thô tăng và áp lực lên nhu cầu từ lãi suất cao.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money cho biết: “Nguyên nhân chính kéo giá vàng đi xuống có liên quan đến thực tế là thị trường đang nhận ra rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài. Khả năng vàng vẫn chịu áp lực trong ngắn hạn... giảm còn 1.800 USD/ounce”.
Trọng tâm bây giờ sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell vào cuối ngày cũng như dữ liệu về việc làm, số lượng tuyển dụng tư nhân và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong suốt tuần.
Christopher Vecchio, người đứng đầu Bộ phận Tương lai và Ngoại hối tại Tastylive cũng cho biết giá vàng có thể giảm xuống mức 1.800 USD/ounce, nhưng đồng thời đưa ra lưu ý rằng khi nền kinh tế suy yếu, giá vàng có thể trở thành cơ hội mua dài hạn.
Chuyên gia Mark Leibovit cho rằng, vàng sẽ đảo chiều tăng giá trong trong thời gian sắp tới. Một trong những động lực cho vàng tăng giá là đồng USD đã chạm đỉnh và bắt đầu có dấu hiệu giảm.
Everett Millman, chuyên gia phân tích thị trường của Gainesville Coins nhận định, theo chu kỳ hàng năm, đầu tháng 10 là thời điểm giá vàng bắt đầu nóng hơn. Thị trường vàng sẽ sớm quay đầu tăng giá do nhu cầu mua của Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao. Lễ hội Diwali bắt đầu vào tháng 11 nhưng nhiều người dân Ấn Độ sẽ bắt đầu tích lũy vàng từ tháng 10.
Trong nước, vàng miếng SJC điều chỉnh tăng giảm không đồng nhất. Trong đó, hầu hết các hệ thống kinh doanh lớn đều điều chỉnh tăng giá từ 100.000 – 150.000 đồng/lượng ở chiều mua, riêng VBĐQ Sài Gòn giảm 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Hiện giá vàng miếng tại một số hệ thống kinh doanh được niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 68,20 – 68,92 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 68,15 – 69,05 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 68,10 – 68,95 triệu đồng/lượng; Bảo tín Minh Châu niêm yết tại 68,40 – 68,05 triệu đồng/lượng.
Như vậy, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương gần 54,1 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng trong nước gần 15 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, giá vàng SJC tiếp tục tăng dù giá vàng thế giới liên tục giảm sâu. Điều này đã đẩy khoảng cách hiện tại giữa hai mức giá được nới lên cao kỷ lục trong năm 2023.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục tình cảnh “một mình một chợ” bất chấp Ngân hàng Nhà nước mới phát đi tín hiệu sẽ kiểm soát tình trạng này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Từ năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan để nghiên cứu và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24.
Châu Giang