Trên thị trường thế giới, khoảng 6 giờ 30 ngày 2/10 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay ở mức 1.846,40 USD/ounce, giảm 2,29 USD/ounce (-0,12%).
Giá vàng thế giới đang chịu tác động bất lợi trên thị trường quốc tế khi chỉ số đồng USD liên tục đi lên, hiện vượt 106 điểm; lợi suất trái phiếu Mỹ chưa dừng đà tăng và thị trường toàn cầu lo ngại diễn biến lạm phát vẫn tăng.
Giá vàng thế giới thấp hơn vàng miếng SJC trên 14 triệu đồng/lượng. |
Giá vàng thế giới đã trải qua một đợt bán tháo kịch tính trong tuần trước. Giá vàng liên tiếp lao dốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 9 và nhắc lại rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự đoán trước đó.
Tuy vậy, khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy, hầu hết các nhà phân tích thị trường đều lạc quan giá vàng sẽ phục hồi trong thời gian tới, trong khi các nhà đầu tư bán lẻ tỏ ra thận trọng sau khi trải qua 7 phiên thua lỗ liên tiếp.
Everett Millman, Giám đốc phân tích thị trường tại Gainesville Coins cho rằng, sự sụt giảm gần đây của vàng chủ yếu là do các yếu tố mùa vụ và sẽ phục hồi khi bắt đầu quý IV.
Ông nhấn mạnh: "Thị trường vàng thường đi vào trạng thái ngủ yên vào những tháng cuối Hè, đầu Thu. Thông thường, tháng 10, đầu quý IV là lúc bạn thấy thủy triều chuyển sang hướng ngược lại. Đó là thời điểm người dân ở Ấn Độ và Trung Quốc tích cực mua vào. Ấn Độ sắp diễn ra lễ hội ánh sáng Diwali vào đầu tháng 11, rất nhiều người mua ở nước này bắt đầu tích lũy vàng trong những tuần trước đó. Tôi kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại, nếu không phải vào đầu tháng 10, thì chắc chắn là vào đầu tháng 11”.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex cũng nhận thấy tiềm năng tăng giá của vàng.
“Tôi cho rằng vàng sẽ sớm chạm đáy. Lạm phát lõi yếu của Mỹ giúp lãi suất ổn định và sự sụt giảm của đồng USD sẽ giúp ích cho kim loại màu vàng", ông Chandler nói.
Trong nước, giá vàng đã trải qua một tuần giao dịch khá buồn khi để mất đỉnh cao trong năm. Đáng chú ý, giá vàng đã "bốc hơi" khoảng 1,1 triệu đồng/lượng, là mức giảm giá theo tuần khá sốc trong nhiều tuần qua.
Đầu giờ sáng nay, cùng thời điểm khảo sát giá vàng thế giới, vàng nhẫn đang được giao dịch quanh 56 triệu đồng/lượng mua vào, 56,9 triệu đồng/lượng bán ra. Còn giá vàng miếng SJC ổn định và giao dịch gần ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại một số hệ thống kinh doanh được niêm yết như sau: Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 68,25 – 68,97 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji niêm yết tại 68,15 – 68,95 triệu đồng/lượng; Hệ thống PNJ niêm yết tại 68,10 – 68,80 triệu đồng/lượng; Bảo tín Minh Châu niêm yết tại 68,30 – 68,90 triệu đồng/lượng.
Như vậy, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương gần 54,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng trong nước trên 14 triệu đồng/lượng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng, thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính: Vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước và vàng dưới dạng trang sức, đóng vỉ của các doanh nghiệp khác.
Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, chưa kể vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên trên mốc 68 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới 14 - 15 triệu đồng/lượng.
“Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần sửa Nghị định 24. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng”, ông Hùng đề xuất.
Châu Giang