Biến động nhất trong năm 2023 phải kể đến thị trường vàng. Giá vàng tăng mạnh, hiện giá vàng thế giới đang giao dịch trên ngưỡng 2.000 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới vào khoảng gần 60 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Theo giới phân tích, những căng thẳng địa chính trị có thể gia tăng trong năm bầu cử quan trọng ở nhiều nền kinh tế lớn, kết hợp với lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương tiếp tục cung cấp thêm hỗ trợ cho vàng trong năm 2024.
Bên cạnh đó, vẫn chưa có gì là chắc chắn về việc nền kinh tế Mỹ có "hạ cánh mềm" được hay không, trong khi khả năng suy thoái vẫn hiện hữu. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư của họ.
Vàng là kênh đầu tư sinh lời khiêm tốn hơn so với các kênh tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản trong dài hạn. |
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích từ WiGroup cho rằng vàng không phải là kênh đầu tư tốt so với các loại tài sản khác trong dài hạn. Cùng với đó là biến động không ngừng khi giá bị dao động mạnh với các yếu tố trên thị trường. Giá vàng phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, đặc biệt là tình hình chính trị thế giới.
Số liệu thống kê trong 15 năm (từ 2006-2021), giá vàng có sự biến động khó lường qua các giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2006 – 2011, giá vàng tăng do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giai đoạn 2011 – 2016, giá vàng biến động mạnh, tăng vào đầu giai đoạn và sau đó giảm mạnh do tác động đồng USD tăng giá. Giai đoạn 2016 – 2018, giá vàng ít biến động khi kinh tế toàn cầu ổn định. Giai đoạn 2019 – 2021, giá tăng nhanh và liên tục do tình hình kinh tế - xã hội đảo lộn khi phải đối mặt đại dịch toàn cầu.
Trong khi đó, bất động sản là kênh sinh lời cao nhất trong các loại tài sản. Điển hình, giai đoạn từ 2006-2021, bất động sản có mức sinh lời lũy kế cao nhất lên tới 11,5%. Tiếp theo là cổ phiếu (10,8%) và trái phiếu (9,1%). Trong khi đó, vàng ghi nhận mức sinh lời lũy kế thấp nhất, chỉ đạt 7,2%.
Nếu chỉ xét riêng trong 5 năm (2016 – 2021), mức sinh lời lũy kế của cổ phiếu đạt 19,2% và bất động sản đạt 12,1%. Tương tự, với trái phiếu giai đoạn này, mức sinh lời lũy kế lên tới 9,8%, trong khi vàng chỉ đạt 6,1% (tức là chỉ bằng 1/3 mức sinh lời của cổ phiếu và chỉ bằng một nửa so với mức sinh lời của bất động sản). Với số vốn ban đầu 100 triệu ban đầu thì số tiền có được sau 5 năm đầu tư sẽ là 241 triệu (đầu tư cổ phiếu); 177 triệu (đầu tư bất động sản); 159 triệu đồng (đầu tư trái phiếu) và 134 triệu nếu đầu tư vàng.
Xét giai đoạn 10 năm (từ 2011 – 2021), cổ phiếu có mức sinh lời lũy kế lên tới 15,8%, bất động sản và trái phiếu có mức sinh lời từ 9 – 10%, thì vàng gây "sốc" với mức sinh lời khiêm tốn chỉ 1,7%. Tức là nếu đầu tư vàng 100 triệu đồng sau 10 năm số tiền có được chỉ là 118 triệu, thấp hơn nhiều so với con số 432 triệu khi đầu tư cổ phiếu và 235 – 257 triệu đồng khi "rót" vào bất động sản và trái phiếu.
Do đó, theo giới phân tích, vàng nên được xem lại tài sản phòng thủ bảo vệ giá trị tài sản danh mục trong thời kỳ nền kinh tế bất ổn, suy thoái.
Trong báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, địa ốc chính là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận ngắn hạn cao nhất trong hai năm qua, lên tới 14%/năm.
Xếp ở vị trí thứ hai là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (8,5%/năm). Tiếp đến là vàng SJC (7,36%/năm). Việc gửi tiền tiết kiệm đứng ở vị trí thứ tư với lợi suất là 6%/năm. Riêng với cổ phiếu, đây là kênh đầu tư bị xếp ở thứ hạng thấp nhất khi người tham gia có thể bị lỗ tới 20,14%/năm.
Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân khiến kênh đầu tư địa ốc được săn đón xuất phát từ việc các chủ đầu tư liên tục tung ra các mức chiết khấu “khủng”. Điều này đã khiến nhiều dự án tiệm cận với giá trị thực.
Dù vậy, Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng thị trường đang chững lại do một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề về pháp lý và khả năng tiếp cận nguồn vốn...
Tuy nhiên, đơn vị này dự báo thị trường có thể sẽ phục hồi từ quý II/2024, niềm tin nhà đầu tư sẽ quay trở lại.
Thanh Hoa