Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân. Và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người, nhưng không nên "bỏ trứng vào một giỏ".
Vàng là kênh đầu tư số 1 năm 2023
Những khó khăn với tăng trưởng kinh tế năm 2023 gần như vẫn chuyển tiếp, kéo dài sang năm 2024. Do đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được duy trì trong năm 2024. Đặc biệt, lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ vẫn ở mức thấp, thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn, giảm chi phí huy động vốn và giảm bớt gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp và tổ chức phát hành trái phiếu...
Bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây đã có dấu hiệu cải thiện nhất định, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn rất thận trọng trước những thách thức cho thị trường năm 2024 vì còn quá nhiều “biến số” từ yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam và các yếu tố bên ngoài khó đoán định. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã có tín hiệu hồi phục tích cực ở nhiều nhóm ngành, nhưng cũng còn những nhóm ngành chưa thực sự đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư.
Nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. |
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục hạ nhiệt vào cuối năm 2023 đã tác động nhiều đến nhà đầu tư khi đứng trước lựa chọn nên rút tiền từ ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác nhằm gia tăng lợi nhuận, hay vẫn sẽ tiếp tục gửi tiết kiệm lãi suất thấp để đảm bảo an toàn?
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn khi thị trường trái phiếu và bất động sản "đóng băng".
Với kênh tiết kiệm, lãi suất huy động giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022, tương ứng tăng hơn 583.494 tỷ đồng.
Dù vậy, ông Nghĩa cho rằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, nên kênh đầu tư vào vàng trở nên hấp dẫn: “Tình trạng "suy kiệt" tín dụng của nền kinh tế, tức là các ngân hàng "đóng băng" tín dụng không dám cho vay, doanh nghiệp không muốn vay - tạo ra khả năng biến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và dài hạn".
Theo đó, từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng gần 20%, trở thành kênh đầu tư tốt nhất năm 2023 trong bối cảnh lãi suất giảm sâu, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia phân tích, vàng được xem là tài sản phòng thủ, không phải kênh đầu tư, do đó không nên so sánh vàng và các kênh đầu tư khác về lợi tức. Tuy vậy, trong một số giai đoạn nhất định, vàng lại trở thành tài sản chiến lược trong danh mục đầu tư.
"Trong năm 2024, giá vàng rất khó dự đoán, song nhiều khả năng chỉ tăng trong ngắn hạn và khó duy trì được đà tăng này trong trung, dài hạn. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên chọn những thời điểm giá vàng bớt nóng để đầu tư và cũng chỉ nên nắm giữ 5-10% tổng tài sản", một chuyên gia lưu ý.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhà đầu tư nếu chưa có vàng, thì vẫn nên chọn thời điểm phù hợp để nắm giữ. Đây vừa là khoản đầu tư, vừa là tài sản phòng thủ. Còn nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vàng thì gia tăng ở thời điểm này không có lợi.
Chứng khoán rất sáng sủa nhưng nhà đầu tư cần tỉnh táo
Trong khi đó, dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng nền kinh tế năm 2024 còn đối mặt với nhiều thách thức, song đây cũng năm mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán.
Chính vì vậy, việc lựa chọn phân bổ nguồn tiền vào lĩnh vực nào sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người: "Cho dù lựa chọn kênh đầu tư nào, thì nhà đầu tư cũng cần đưa ra được giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản cũng như gia tăng tài sản”, ông Bình nói.
Đồng thời, chuyên gia này chia sẻ góc nhìn về định giá rẻ của thị trường chứng khoán “định giá thị trường năm 2024 đang khá rẻ với lợi suất thị trường chứng khoán hiện tại khoảng 10%. Đây là một mức khá hấp dẫn so với kênh đầu tư gửi tiết kiệm hiện tại đang dưới 5% và có thể thấp hơn. Như vậy, rõ ràng là việc gửi tiết kiệm không phải là giải pháp tối ưu”.
Nhận định về triển vọng kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2024 rất sáng sủa, song PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, khuyến cáo nhà đầu tư cũng nên tỉnh táo, không chạy theo đầu cơ mà xác định đây là kênh đầu tư dài hạn. Hiện, hơn 95% nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường là đầu cơ với mong muốn giàu nhanh, tuy nhiên việc này khó xảy ra trên thực tế, sớm muộn gì cũng sẽ gặp rủi ro. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào các mã cổ phiếu giá trị và không kỳ vọng quá nhiều tỷ suất sinh lời cao. Đồng thời, phải luôn chú ý quản trị rủi ro danh mục, tránh đầu tư theo tin đồn.
Riêng đối với kênh đầu tư bất động sản, các chuyên gia nhận định năm 2024 sẽ là năm để thị trường tạo bước chuyển mình cho một chu kỳ hồi phục phát triển mới nhờ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về pháp lý và giải pháp thúc đẩy thị trường đã có hiệu quả nhất định. Nhiều vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tổ chức tư vấn Arcadia Consulting Việt Nam dự báo giá nhà sẽ tăng lại vào giữa năm 2024. Thời điểm đó, thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn, chính thức bước vào một chu kỳ mới. Và đây mới chỉ là sự khởi đầu của những triển vọng tích cực, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư và là kênh giữ vốn an toàn, nhưng sẽ không có hiện tượng “tăng phi mã” như những năm trước đây...
Ông Huân cho rằng nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” của thị trường bất động sản hay chứng khoán vào lúc này, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt. Còn nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác. Tuy nhiên, nguyên tắc bất di bất dịch là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Huyền Anh