Dạo quanh các địa điểm chuyên đổi tiền ở Hà Nội như: chùa Hà, phố Đinh Lễ, phủ Tây Hồ, phố Hà Trung… dễ nhận thấy nhu cầu đổi tiền lẻ càng sát Tết càng sôi động vì sự khan hiếm của tiền mệnh giá nhỏ. Giá của loại tiền này đã tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây một tháng.
Phí tăng liên tục
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh một tháng trước, phí đổi tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng vào khoảng 10%; 10.000 đồng có mức phí 8%… Nghĩa là cứ 1 triệu đồng tiền mệnh giá này, người đổi sẽ phải mất phí 80.000 – 100.000 đồng.
Đến thời điểm đầu tháng 1, phí đổi tiền lẻ đã có sự chênh lệch đáng kể theo mệnh giá so với thời điểm trước đó. Chẳng hạn, mệnh giá 100.000 – 500.000 đồng có mức phí đổi 10%, mệnh giá 50.000 đồng là 20%. Còn mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng là 30%; mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng là 40%.
Tuy nhiên, càng sát Tết, phí đổi tiền lẻ càng tăng chóng mặt. Hiện, mệnh giá dưới 2.000 đồng, khách hàng phải chịu phí đổi đắt nhất, dao động 200 – 500%. Theo đó, để có được 1 triệu đồng tờ tiền mệnh giá 500 đồng, khách phải bỏ thêm 500.000 đồng nữa.
Chủ một cửa hàng trên phố Đinh Lễ cho biết mệnh giá 10.000 – 50.000 còn nguyên seri hiện nay rất khan hiếm, nếu muốn đổi thì khách hàng phải đặt cọc và phải đợi đến cận Tết mới có. Sang tuần giáp Tết, giá đổi dự kiến còn cao hơn và chỉ còn tiền lẻ cũ chứ không còn tiền lẻ mới.
Theo một số chủ cửa hàng đổi tiền lẻ, dịp Tết năm nay, nguồn cung tiền mới khan hiếm do mấy năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn in tiền mới mệnh giá nhỏ mà chỉ sử dụng lại tiền cũ. Sau nhiều năm luân chuyển qua lại, tiền lẻ đã cũ dần, trong khi tiền mới bổ sung vào thị trường không có nên đã gây ra sự khan hiếm.
"Những năm trước, tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng vào thời điểm cận Tết có chênh lệch phí đổi thời điểm cao nhất cũng chỉ khoảng 20%, nhưng năm nay đã tăng lên 25 – 30%", chủ một cửa hàng cho biết.
Ngoài nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới còn nguyên seri, nhu cầu đổi tiền của các nước khác như đô la Mỹ (USD), tiền xu của Úc, Macau… những năm qua cũng được nhiều người săn tìm, dù phí đổi tăng cao gấp 4 – 5 lần.
Chẳng hạn, khách phải trả chi phí từ 18 – 20% cho mệnh giá 1 – 2 USD. Cặp tiền xu con heo mạ vàng và bạc của Úc đựng trong hộp đỏ giá 300.000 đồng mang ý nghĩa cho sự may mắn, phát tài, của cải sinh sôi, nảy nở… cũng được nhiều khách hàng mua làm quà tặng. Tiền hình con heo của Úc và Macau có giá 100.000 đồng/tờ…
![]() |
Phí giao dịch đổi tiền mới mệnh giá nhỏ tại thị trường chợ đen tăng chóng mặt |
Tiền lẻ mới ở đâu ra?
NHNN cho biết, chức năng của cơ quan này là đáp ứng nhu cầu tiền trong lưu thông đầy đủ, kịp thời mà không phân biệt tiền mới hay cũ. Do vậy, NHNN không có kế hoạch liên quan đến tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết cuối năm.
Những loại tiền không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường sẽ được thu hồi. Trong số tiền mà NHNN chi nhánh nhận được từ ngân hàng trung ương, nếu có tiền mới cũng sẽ được phân bổ xuống các ngân hàng thương mại để đưa ra thị trường lưu thông.
NHNN cũng khẳng định, từ năm 2013 đến nay đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Vậy tại sao thị trường chợ đen vẫn có, thậm chí khách hàng muốn đổi bao nhiêu thì các đầu nậu vẫn đáp ứng đủ?
Một đầu mối có thâm niên 10 năm đổi tiền trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) tiết lộ cách "gom" tiền mới: "Đối với tiền mệnh giá nhỏ, khoảng 5 năm nay NHNN không in mới nhưng trên thực tế, tiền mới chỉ được lưu thông chủ yếu trong dịp Tết, dùng để đi lễ chùa nên các đầu nậu thường kết hợp với nhà chùa để thu gom tiền lẻ, sau cất giữ để đến Tết lại mang ra đổi cho khách có nhu cầu.
Ngoài ra, để có nguồn cung đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết, hầu hết đầu nậu phải có người quen làm ở ngân hàng để dễ dàng có được số lượng tiền mới với nhiều mệnh giá như mong muốn".
Tuy nhiên, đầu mối đổi tiền lẻ này cũng cho biết, số lượng tiền lẻ còn mới mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống cung ứng ra thị trường năm nay khan hiếm hơn mọi năm do lượng tiền mới in từ năm 2013 đến nay đã dần cũ.
Theo quy định của Nghị định 96/2014/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép, có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.
Tuy nhiên, dường như quy định này vẫn chưa đủ sức nặng để hạn chế tình trạng đổi tiền lẻ với phí cao "cắt cổ" ngoài thị trường chợ đen trong những dịp Tết.
Hoàng Hà