Động thái liên tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đi ngược với các ngân hàng trung ương toàn cầu và yếu tố thời vụ có thể khiến áp lực tỷ giá quý III/2023 cao hơn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nhà điều hành sẽ cần sự cẩn trọng, linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất.
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục kéo giảm
Thống kê cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm.
Đáng chú ý, ghi nhận trên thị trường chỉ trong mấy ngày đầu tháng 8, đã có một loạt các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động.
Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn… |
Điển hình: Từ ngày 8/8, Eximbank sẽ áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,1 -0,8 điểm % so với trước đó. Ngày 7/8, Techcombank, MSB, Saigonbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất áp dụng từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn.
Theo nhận định của các chuyên gia, hạ lãi suất vay vẫn đã và đang là 1 xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục trong hệ thống ngân hàng những tháng cuối năm. Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng 2023 và NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
"Chúng tôi cho rằng, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới", một chuyên gia nhận định.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…
Điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm không chỉ tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, mà còn khuyến khích cầu tiêu dùng.
“Khi giảm lãi suất tiền gửi, người dân ít có động lực để gửi tiết kiệm hơn, có những người nghĩ rằng với lãi suất này không đáng để người ta tiết kiệm, thay vào đó họ dùng tiền đó để chi tiêu nhiều hơn, từ đó kích cầu trong nước”, ông Hùng nói.
Cẩn trọng với tỷ giá
Lãi suất trong nước giảm rõ rệt nhưng thực tế tín dụng vẫn tăng trưởng chậm. Điều đó cho thấy, những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, nền kinh tế. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, việc hạ thêm lãi suất cho thể gây sức ép lên tỷ giá.
Theo quan sát của VnBusiness, tỷ giá USD/VND đang có dấu hiệu "nóng" hơn. Chỉ trong những ngày đầu tháng 8 này, tỷ giá trung tâm bất ngờ tăng nhanh trở lại 67 đồng, lên mức 23,825 đồng tính đến cuối tuần qua.
Chênh lệch lãi suất USD-VND ngày càng nới rộng. Cụ thể, nếu như thời điểm đầu tháng 6, lãi suất vay mượn qua đêm của USD chỉ cao hơn VND chưa đến 1%, đến đầu tháng 7 chênh lệch này đã mở rộng ra hơn 4%. Cập nhật gần nhất đến tuần cuối tháng 7, lãi suất vay USD qua đêm là 4.97%, trong khi VND chỉ ở mức 0.2%, tức chênh lệch tiếp tục mở rộng hơn 4.7%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng lần lượt mở rộng lên mức gần 4.6%, 4.4% và 3.9%.
Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá có áp lực tăng sẽ là một trong những yếu tố khiến xu hướng hạ lãi suất sẽ bị "ghìm chân" và nhà điều hành sẽ cần sự cẩn trọng, linh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh Fed vẫn để ngỏ kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao sẽ tạo áp lực tới các đồng tiền của các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện NHNN có vẻ phản ứng chính sách tương đối kịp thời và tương đối đúng hướng. Do đó, tỷ giá USD/VND vẫn kiểm soát được.
Ngoài ra, các yếu tố như thặng dư thương mại dương; dự trữ ngoại tệ tăng lên, dòng FDI vẫn tích cực… giúp cho NHNN cải thiện hơn dư địa trong điều hành tỷ giá.
Đối với việc chênh lệch giữa lãi suất USD - VND ngày càng nới rộng, ông Hùng giải thích: hiểu nôm na nhà đầu tư nếu họ được lựa chọn, họ sẽ thích giữ tiền USD hơn VND so với trước đây. Với những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán, sẽ có áp lực chuyển dịch một phần tài sản về đồng USD. “Tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại bởi chênh lệch lãi suất VND - USD chỉ là một yếu tố. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động đến quyết định của nhà đầu tư như môi trường kinh doanh, tính ổn định kinh tế vĩ mô…”, ông Hùng nói.
Huyền Anh