Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, đa số các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ giảm lãi suất, với tình hình kinh tế và lạm phát hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ giảm thêm một đợt lãi suất điều hành về mức 4%. Trong bối cảnh đó, đa số các đồng tiền sẽ tăng giá trở lại, đồng nội tệ của Việt Nam sẽ chỉ mất giá từ 0 - 0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5% - 1%.
Lãi suất giảm, tỷ giá biến động nhẹ
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lãi suất và tỷ giá là những hàn thử biểu của nền kinh tế, một số lĩnh vực đang hưởng lợi từ việc giảm lãi suất, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Ông Lực phân tích, trong môi trường lãi suất "hạ nhiệt" và tỷ giá ổn định thời gian qua, thị trường chứng khoán đã cải thiện cả về điểm số lẫn thanh khoản. Vn-Index trong phiên giao dịch ngày 26/7 tràn ngập sắc xanh và kết phiên tiến sát ngưỡng 1.200 điểm.
Áp lực đối với tỷ giá trong năm 2023 không mạnh bằng năm trước. |
Ông Lực bày tỏ lạc quan vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới khi lãi suất được dự báo vẫn còn dư địa giảm. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, lãi suất sẽ không thể giảm sâu vì như vậy sẽ không hấp dẫn được người gửi tiết kiệm, dòng tiền từ kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ dịch chuyển sang chứng khoán. Xu hướng này đã diễn ra khá rõ nét trong 2 tháng vừa qua.
Theo thống kê mới được NHNN công bố, trong tháng 5, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm. Đây cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Có thể thấy, từ tháng 4 đến nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 5, hầu hết các nhà băng đều điều chỉnh lãi suất, đưa mức niêm yết cao nhất kỳ hạn 12 tháng về 8,5%/năm, sau động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, tiền gửi vào ngân hàng của người dân có xu hướng giảm dần.
Cụ thể, trong tháng 1/2023, số tiền người dân gửi vào ngân hàng tăng đến 178.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022; tháng 2/2023, số tiền gửi tăng đến 136.000 tỷ đồng so với tháng trước; nhưng sang tháng 3, mức tăng chỉ còn 102.000 tỷ đồng so với tháng 2 và tiếp tục giảm trong tháng 4 khi mức tăng chỉ còn 52.000 tỷ đồng so với tháng 3.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ tăng thêm 25 điểm % lãi suất vào phiên họp ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), sau đó đi ngang và dự báo sẽ giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương châu Âu cũng được dự báo sẽ hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.
"Tại châu Á, đa số các ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất, trong đó Trung Quốc là quốc gia có mức giảm lãi suất mạnh nhất. Việt Nam cũng đang chủ động trong lộ trình của chúng ta. Lãi suất điều hành sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý IV/2023 và kỳ vọng giảm về 3,5% trong năm 2024, đầu 2025", ông Lực nói.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia dự báo, đa số các đồng tiền sẽ tăng giá trở lại, nhưng áp lực đối với tỷ giá trong năm 2023 không mạnh bằng năm trước. Theo TS. Cấn Văn Lực, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 0,5% so với USD trong năm 2023; năm 2024, mức biến động lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5% - 1%.
Nhóm phân tích Techcombank dự báo, tỷ giá sẽ biến động mạnh trong tháng 7 và chịu áp lực tăng thêm trong các tháng tới. Mức tăng của tỷ giá kỳ vọng sẽ quanh vùng 1% so với hiện nay, tức là tỷ giá USD/VND bình quân có thể lên cao nhất là 24.168 VND/USD vào tháng 10/2023 rồi sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo.
Dự báo này là khá bất ngờ, bởi trước đó vào thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 khi tỷ giá VND/USD đã bắt đầu tăng nhanh hơn, một số chuyên gia dự báo tỷ giá sẽ biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023, ở khoảng mức +/-2% so với đầu năm.
Dự trữ ngoại hối sẽ “cứu cánh” cho tỷ giá?
Lãnh đạo NHNN chia sẻ, chưa bao giờ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, thậm chí mức độ gay gắt còn hơn cả thời điểm cuối năm 2022. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ từ các quốc gia khác.
Dù vậy, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, NHNN sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá. Đồng thời, NHNN cũng đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
"Đặc biệt, về chi phí vốn cho doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp", đại diện NHNN nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, NHNN đã mua khoảng hơn 6 tỷ USD trong năm nay để tăng cường dự trữ ngoại hối. "Việc mua thêm hơn 6 tỷ USD để bổ sung vào dự trữ ngoại hối giúp NHNN sẽ có dư địa ổn định tỷ giá khi có biến động. Đồng thời, có thêm khả năng đảm bảo nguồn cung USD cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Điều này rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế”, ông Hùng nói.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao, sự phục hồi của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang trong xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngay cả khi xuất khẩu suy yếu.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ; và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại.
Theo dự báo của công ty xếp hạng tín dụng thuộc Tập đoàn đầu tư Moody's, dự trữ ngoại hối của Việt Nam (không kể vàng) sẽ phục hồi lên 95 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Huyền Anh