Ngày 20/11, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm 0,53%, xuống mốc 103,82. Đây tiếp tục là dấu hiệu đi xuống của đồng bạc xanh khi chạm mốc thấp nhất trong 2 tháng qua.
Đáng chú ý, tuần trước, đồng USD cũng đã giảm tổng cộng 1,60% so với cuối tuần trước đó.
Vì sao đồng USD giảm giá?
Nguyên nhân khiến giá USD giảm trong tuần qua là do thị trường chú ý nhiều vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất. Nhưng trong thời gian dài, sự trượt giá này đến từ số liệu lạm phát và dữ liệu hoạt động kinh tế yếu kém của nền kinh tế số 1 thế giới.
Chỉ số đồng USD đang trên đà đi xuống và chạm mốc thấp nhất trong 2 tháng qua. |
Mới đây, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) tháng 10 không đạt như kỳ vọng, chỉ đạt mức 4% so với dự báo 4,1%, là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021. Chỉ số giá sản xuất cốt lõi (PPI) tháng 10 cũng không đạt kỳ vọng, chỉ đạt 2,4% so với mức dự báo 2,7% và giảm so với mức 2,7% tháng trước. Sản xuất công nghiệp không đạt kỳ vọng, giảm 0,6% so với tháng trước.
Tuy nhiên, không phải tất cả nền kinh tế Mỹ đều ngập trong “tin buồn”. Doanh số bán lẻ toàn quốc trong tháng 10 tuy giảm 0,1% nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm dự kiến là 0,3%.
Tin tốt từ mảng đầu tư trái phiếu cũng phần nào khiến giá đồng USD giảm. Lãi suất trái phiếu kho bạc đã tăng nhẹ, với kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,90%, kỳ hạn 5 năm là 4,45%, và kỳ hạn 10 năm là 4,44%.
Nền kinh tế Mỹ đang ở trong áp lực lạm phát và thị trường lao động hạ nhiệt. Nhưng theo nhiều chuyên gia, chưa đủ dấu hiệu để cho thấy một cuộc suy thoái trong tương lai gần có thể xuất hiện.
Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục tập trung vào các số liệu hàng hóa lâu bền từ tháng 10 và PMI ngành sản xuất tháng 11.
Thông thường, vào cuối năm, đồng USD có xu hướng giảm giá, với lý do khá đa dạng: dòng chảy thương mại của mùa mua sắm lễ tết cuối năm, sự ham thích rủi ro gia tăng do yếu tố thời vụ cùng hoạt động chốt sổ sách kế toán của doanh nghiệp...
Đầu tư USD là không khôn ngoan lúc này?
Theo các chuyên gia tài chính quốc tế, mua bán USD là một kênh đầu tư được coi là dễ dàng và an toàn với nhiều người. Trong bối cảnh đồng bạc xanh có xu hướng giảm liên tục, liệu đây là cơ hội hay “cái bẫy” đối với người đầu tư USD?
"Một số người sẽ lựa chọn đầu tư vào ngoại hối khi ngoại tệ đó giảm và tất nhiên kết quả còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để có thể đầu tư sinh lời an toàn và hiệu quả, chúng ta cần có cái nhìn toàn cảnh vào nền kinh tế, tài chính. Quyết định đầu tư hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời hạn đầu tư và so sánh với các kênh đầu tư khác", một chuyên gia phân tích nói.
Theo chuyên gia này, nếu đầu tư như một kênh tiết kiệm, việc lựa chọn có mua USD hay không cần dựa vào nhiều yếu tố, không phải thấy giảm hay tăng là mua. Cung và cầu về một loại tiền tệ thay đổi do các yếu tố kinh tế khác nhau, khiến tỷ giá hối đoái lên xuống. Mỗi loại tiền tệ thuộc về một quốc gia (hoặc khu vực). Vì vậy, phân tích cơ bản ngoại hối tập trung vào tình trạng chung của nền kinh tế nước đó, chẳng hạn như năng suất, việc làm, sản xuất, thương mại quốc tế và lãi suất.
"Đồng thời, việc đầu tư thắng hay thua còn phụ thuộc vào tỷ giá, mối quan hệ kinh tế giữa nước mình và quốc gia có đồng ngoại tệ đó. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh John Maynard Keynes từng nói: “Để thắng lớn khi đầu tư tiền tệ khó hơn bạn tưởng - ngay cả khi bạn là một nhà kinh tế. Trong thị trường tài chính, xuất sắc thôi là chưa đủ. Những nhà giao dịch giỏi nhất không chỉ phải hiểu các nguyên tắc cơ bản của tài sản mà họ đang giao dịch mà còn phải có gần như giác quan thứ 6 về thời gian và chuyển động trong thị trường sẽ phát triển như thế nào. Bạn vẫn có thể mất rất nhiều tiền nếu có ý tưởng đúng vào sai thời điểm”, chuyên gia này lưu ý.
Kim Chi