Giá bán USD tại các ngân hàng giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm tỷ giá trung tâm với mức giảm tổng cộng 57 đồng/USD trong ba ngày 20, 21 và 24/1, đẩy tỷ giá trung tâm lùi về mức 23.062 VND/USD.
Lý do giá USD giảm
Khảo sát của VnBusiness sáng ngày 24/1 cho thấy, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm từ 20 - 50 VND/USD. Cụ thể, tỷ giá tại Vietcombank đang ở mức 22.450 - 22.760 VND/USD; Vietinbank giao dịch ở mức: 22.470 – 22.770 VND/USD; BIDV mua vào ở mức 22.480 – 22.760 VND/USD…
Bên cạnh đó, NHNN giảm giá bán USD thêm 100 đồng/USD về mức 23.050 đồng/USD và giữ nguyên giá mua ở mức 22.550 đồng/USD so với ngày hôm qua.
NHNN có khả năng sẽ giảm tỷ giá mua USD thêm 100-150 đồng, về mức 22.550-22.500 VND/USD trong quý I/2022. |
Trong khi đó, đồng bạc xanh trên thị trường tự do trong phiên giao dịch ngày 24/1 giảm 20 VND/USD, xuống mức 23.480 VND/USD ở chiều mua vào và giảm 40 đồng ở chiều bán ra về mức 23.530 VND/USD. Mức giá này đang cao hơn giá trong các ngân hàng thương mại hơn 1.000 VND/USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc NHNN giảm tỷ giá trung tâm trong 3 phiên gần đây không có bất thường, bởi mức giảm không quá lớn và giá USD sẽ theo cung cầu thị trường. Bằng chứng là qua theo dõi 3 ngày nay, giá USD trên thị trường cũng xuống theo động thái này nhưng không có những phản ứng quá dữ dội, thể hiện mức giá mới phù hợp hơn với cung - cầu thị trường.
NHNN đã có những bước linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá theo thị trường. Khi lạm phát ở mức thấp như hiện nay và tăng trưởng kinh tế dương thì việc tiền đồng tăng giá là điều tất nhiên. Theo giới phân tích, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá kỳ hạn nên sẽ có thời điểm tỷ giá tăng và cũng có lúc giảm trong thời gian tới. Điều này không có gì phải lo ngại.
Khi biên độ tỷ giá rộng và linh hoạt hơn thì tùy vào tình hình thực tế của kinh tế có thể điều chỉnh. Giá USD giảm sẽ hỗ trợ cho nhập khẩu, điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nhưng lúc này USD có thể tăng giá trở lại.
Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối của một nhà băng phân tích, quyết định giảm giá mua USD từ NHNN có lẽ là do con số nhập siêu năm 2021 đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,03 tỷ USD, tăng 21,8%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 218,21 tỷ USD, tăng 29,1%. Việc giảm giá USD sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian tới.
Nhóm Nghiên cứu HSBC Việt Nam cho rằng, NHNN có khả năng sẽ giảm tỷ giá mua USD thêm 100-150 đồng, về mức 22.550-22.500 VND/USD trong quý I/2022 và hoàn tất quá trình liên kết tỷ giá này với tỷ giá trung tâm - cao hơn 50 đồng so với mức giá sàn.
Trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc giảm giá mua vào USD của NHNN có thể từ cán cân thanh toán đổi chiều, nhập siêu trở lại. “Về lý thuyết, đồng tiền nội địa tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại thì có lợi cho nhập khẩu và không có lợi cho xuất khẩu. Nhưng tăng trưởng FDI chiếm phần lớn nên bản chất cũng là nhập rồi xuất đi chứ dòng tiền không vào Việt Nam. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước luôn nhập nhiều hơn xuất (năm 2021 đạt 91,09 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nên giảm giá USD có lợi cho nhập khẩu, giúp giá hàng hóa được rẻ hơn, phần nào kiểm soát được lạm phát trong thời gian tới”, vị này nói.
Tỷ giá không biến động lớn
Nhận định về tỷ giá trong năm nay, PGS.TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) dự báo, VND có thể sẽ mất giá khoảng 1% - 2% trong năm 2022.
Trong năm 2021, VND lên giá so với USD, nên khi thế giới đảo chiều chính sách, nhưng mức điều chỉnh tương đối thấp (chẳng hạn như tại Mỹ nếu tăng 3 lần lãi suất trong năm 2022, lãi suất cơ bản của Mỹ cũng chỉ lên tới 1%), để giữ ổn định lãi suất nhà điều hành sẵn sàng để VND mất giá khoảng 1% sau khi lên giá khoảng 2% năm 2021. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, đây cũng là điều có lợi cho kinh tế Việt Nam.
Trong các báo cáo công bố gần đây, các công ty chứng khoán dự báo trong năm nay nguồn cung USD dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu hồi phục, trong khi dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Tại báo cáo vĩ mô vừa công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, ngoài yếu tố tăng trưởng kiều hối tiếp tục được duy trì trong năm nay và chính sách thu mua ngoại tệ của NHNN, dự báo dự trữ ngoại hối vẫn sẽ duy trì trạng thái dồi dào nhờ xuất siêu. “Dự tính sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi các yếu tố vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng xuất siêu của Việt Nam. Theo tính toán BSC, con số này ước tính đạt 5,2 - 6,9 tỷ USD”.
Từ các phân tích trên, các chuyên gia của BSC dự báo, tỷ giá liên ngân hàng trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ nằm trong khoảng từ 23.100 - 23.200 VND/USD (tăng 0,7% - 1,2% so với năm 2021).
Trong khi đó, các chuyên gia của KBSV nhận định: "diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022".
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vẫn còn những rủi ro cho tiền đồng trong thời gian tới đến từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất điều hành 3 lần trong năm 2022. Một lãnh đạo cao cấp MB nhận định: “Trong viễn cảnh năm 2022, khi Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất, tiền đồng sẽ đối mặt với áp lực USD mạnh lên trên thị trường quốc tế và tỷ giá USD/VND dự báo giảm về mức 23.000 VND/USD”.
Tuy nhiên, NHNN vẫn phải sử dụng các biện pháp để giữ đồng VND không bị mất giá quá lớn, cùng với các yếu tố thuận lợi như: dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thương mại thặng dư… Vì vậy, VND vẫn sẽ có diễn biến ổn định.
Thanh Hoa