Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho thấy, tính đến ngày 31/3, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng được ghi nhận trong tháng 3 (hơn 1,1 tỷ USD theo tỷ giá hôm nay 6/4).
Con số này nếu so với tháng 1 chỉ có duy nhất một lô phát hành riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng và tháng 2 có 3 lô tổng trị giá 2.000 tỷ đồng thì rõ ràng đã tăng rất nhiều. Nếu so với tháng 3/2022 cũng đã tăng vượt bậc. Cụ thể, trong tháng 3/2022 có 2 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 10 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 3.621 tỷ đồng.
Tính chung trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Đáng chú ý, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3 cũng tăng đột biến 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022, lên mức gần 14.300 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng giá trị mua lại và 3.400 tỷ đồng, chiếm 24% tổng giá trị mua lại.
Tính chung trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/3, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4 là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng, chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
Liên quan đến vấn đề này, tại họp báo quý I/2023 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, giai đoạn vừa rồi thị trường trái phiếu gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền sau một số vụ vi phạm trái phiếu cộng với bức tranh vĩ mô toàn cầu nhiều bất lợi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, đề xuất hoãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải duy trì danh mục 2 tỷ đồng trong vòng 180 ngày sẽ áp dụng đến hết năm 2023 là để những nhà đầu tư chưa tích luỹ danh mục 2 tỷ đồng đủ 6 tháng có thể tích luỹ đủ để chứng minh danh mục.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý, giám sát đồng thời thường xuyên có khuyến cáo đối với tổ chức phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ phát hành về tuân thủ nghiêm quy định. Với nhà đầu tư, Bộ cũng thường xuyên khuyến cáo nhà đầu tư phải thực sự đánh giá được rủi ro trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trước dự báo còn nhiều thách thức đối với thị trường TPDN, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng Nguyễn Hoàng Dương nêu ra một số giải pháp trung và dài hạn nhằm ổn định và phát triển thị trường TPDN. Theo đó, cần rà soát tổng thể, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; đối tượng mua TPDN riêng lẻ chỉ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức...
Cùng với đó, phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt hệ thống các quỹ đầu tư (trong đó bao gồm quỹ đầu tư trái phiếu); Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước để quản lý giám sát và phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN; Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các Bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản...
Thanh Hoa