Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ còn tiếp tục tăng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Gần đây, đồng Việt Nam (VND) giảm giá nhẹ so với USD cũng có tác động rất nhỏ đến lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kinh tế đất nước vẫn đạt được một số thành tựu rất đáng trân trọng. Trong đó, cán cân vãng lai của Việt Nam đang thặng dư, tức là luồng vốn bằng USD đang tiếp tục đổ vào Việt Nam. Đặc biệt, nhìn vào dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có thể thấy chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dòng vốn FDI tăng mạnh
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, trong 30 năm qua, Việt Nam thu hút được trên 27.000 dự án với 400 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân được 192 tỷ USD từ nguồn vốn FDI. Nguồn vốn này đã có những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như đóng góp vào tăng trưởng 20% GDP và 23% tổng vốn đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp 72% vào kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, dù phải đối mặt với các biến động quốc tế, dòng vốn gián tiếp (FII) rút khỏi Việt Nam không đáng kể.
Theo nhận định của giới đầu tư, từ nay đến cuối năm 2019, không có dấu hiệu nào cho thấy dòng vốn rút khỏi Việt Nam khi thị trường vẫn còn đang hấp dẫn. Thậm chí, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường trong nước.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhờ nguồn vốn bằng USD vào Việt Nam tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được một lượng ngoại tệ lớn, đồng thời có động thái để ngăn chặn VND phá giá.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết: "Hiện nay, dự trữ ngoại hối của chúng ta trên 66 tỷ USD. Với dự trữ đó, chúng ta đủ can thiệp vào thị trường để ổn định tỷ giá, tạo thêm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam".
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, dự trữ ngoại hối được sử dụng để dự phòng cho các khoản nợ ngoại tệ của quốc gia. Những tài sản này phục vụ nhiều mục đích, nhưng mục đích chính xưa nay không thay đổi là để đảm bảo cơ quan chính phủ trung ương có tiền dự phòng nếu đồng tiền của quốc gia bị mất giá nhanh chóng hoặc trở nên mất khả năng thanh toán.
NHNN đã mua thêm được 8,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm |
Ngoại hối tăng thêm 8,35 tỷ USD
Lượng dự trữ ngoại hối dồi dào như trên góp phần tăng nguồn lực quốc gia và là một cơ sở quan trọng giúp NHNN có thêm dư địa để tiếp tục linh hoạt hơn trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị VND.
Các số liệu trong một báo cáo của NHNN cho thấy, chỉ tính từ đầu năm đến tuần thứ 3 của tháng 4/2019, NHNN mua được tới 8,35 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng nhằm bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước. Con số này tương đương mức mua vào bình quân gần 2,1 tỷ USD/tháng và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Đáng chú ý, lượng ngoại tệ được NHNN mua vào trong các tháng qua thậm chí còn lớn hơn nhiều tổng lượng ngoại tệ được NHNN mua vào trong cả năm 2018.
Cụ thể, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 tổ chức hồi đầu năm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết lượng ngoại tệ được NHNN mua vào trong năm 2018 nhằm bổ sung ngoại hối nhà nước đạt khoảng 6 tỷ USD.
Theo nhận định của một số thành viên lớn tham gia thị trường liên ngân hàng, với việc NHNN liên tục mua vào ngoại tệ trong thời gian qua lên tới 8,35 tỷ USD, dự trữ ngoại hối nhà nước hiện có thể đạt mức cao kỷ lục là gần 66 tỷ USD và tương đương với khoảng 3 tháng nhập khẩu. Đây cũng là mức tăng rất lớn của dự trữ ngoại hối nhà nước chỉ sau một thời gian ngắn.
Mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cũng khẳng định, NHNN đã mua được lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. "Nếu cần thiết, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hà cho biết.
Một tổ chức đầu tư cũng đưa nhận định: "Chúng tôi hy vọng rằng với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào tích lũy trong thời gian vừa qua sẽ giúp NHNN đủ sức vượt qua tác động từ bên ngoài và ổn định thị trường tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới".
Hoàng Hà