Tỷ giá trung tâm USD ngày (13/7) ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi giảm thêm 14 đồng mỗi USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ khách quốc tế đến Việt Nam tăng, hàng hoá tiếp tục xuất siêu…, những nền tảng tích cực này được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá trong những tháng tiếp theo.
Tỷ giá biến động mang tính vụ mùa?
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 23.240 – 23.630 VND/USD, biên độ +/- 1,9% so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là mức ổn định hơn đáng kể so với năm 2022 khi có lúc đỉnh điểm lên tới 24.692 VND/USD, tăng 4,2% so với tỷ giá trung tâm.
Tỷ giá có thể lên cao nhất là 24.168 VND/USD vào tháng 10/2023 rồi sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo. |
Tính tới đầu tháng 6/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với thời điểm đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, dòng vốn FDI giải ngân, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD trên thị trường quốc tế yếu đi.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, “tắc” đầu ra sản phẩm và thiếu đơn hàng, tỷ giá ổn định giúp doanh nghiệp phần nào vơi nỗi lo. Công ty CP Quốc tế Delta ước tính chỉ riêng chi phí nhiên liệu mỗi tháng trung bình khoảng 1 tỷ đồng. Tỷ giá chỉ cần biến động 1% thì chi phí đầu vào có thể tăng thêm cả chục triệu đồng, chưa kể cả các loại chi phí khác phải trả bằng USD.
Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta cho biết: "Cước quốc tế đường biển hay đường không đều phải thanh toán bằng đồng USD, cho nên khi tỷ giá được bình ổn thì đã giúp đỡ khá nhiều cho các doanh nghiệp logistic và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung".
Dù vậy, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng những ngày đầu tháng 7 đã có những phiên biến động mạnh. Kết tuần, từ ngày 3 – 7/7, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,30% lên 23.653 VND/USD và đồng thời tỷ giá bán niêm yết tại các Ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do lần lượt là 23.810 VND/USD và 23.750 VND/USD, tăng 60 và 120 đồng so với tuần trước đó.
Trong một báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam (MBKE) cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá bật tăng là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng tiền thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.
Ở một góc nhìn khác, trong bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu mới công bố, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết, trên thực tế, áp lực tỷ giá đã bắt đầu xuất hiện từ tuần cuối của tháng 6 khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh do một số khoản ngoại tệ cần phải thanh toán cũng như áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.
Theo báo cáo Kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tháng 7/2023 của Bộ phận phân tích kinh tế và thị trường tài chính Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), hiện nay chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhanh (lãi suất tiền đồng thấp hơn tiền USD trên nhiều kỳ hạn). Điều này có thể thúc đẩy việc nắm giữ USD để hưởng chênh lệch lãi suất, qua đó gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá sẽ ổn định vào cuối năm
Dù tỷ giá dự báo sẽ biến động theo chu kỳ vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao để thanh toán đơn hàng quốc tế, song các chuyên gia nhận định không gây ra xáo trộn đáng kể. Bởi Việt Nam đang ghi nhận nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong nửa cuối năm nay trước biến động thế giới.
Đó là nguồn cung ngoại tệ tăng trưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn dự báo năm nay ngoại hối chuyển về Việt Nam đạt 7 tỷ USD. Cùng với đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách, đáng chú ý là khách quốc tế lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Chính sách thị thực cởi mở đã hỗ trợ, góp phần đưa du lịch quốc tế cùng với dịch vụ cảng biển tạo ra 80% giá trị xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay, thu về 8,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó hàng hoá tiếp tục xuất siêu hơn 12 tỷ USD bổ sung lớn cho nguồn cung ngoại tệ trong nước.
Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: "Cùng với sự điều hành linh hoạt về lãi suất, kiềm chế lạm phát đã hỗ trợ cho chi phí sản xuất, phục vụ tốt cho xuất khẩu. Con số xuất siêu cho thấy phần nào điều đó. Cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu khiến các tập đoàn đa quốc gia chần chừ trong đầu tư, tuy nhiên dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian vừa qua vẫn giải ngân hơn 10 tỷ USD. Sự phối hợp đồng bộ chính sách sẽ giảm thiểu áp lực tỷ giá của Việt Nam năm nay".
Các chuyên gia phân tích Techcombank kỳ vọng, mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng sẽ vẫn ở mức thấp, do cung tiền sẽ vẫn tăng lên khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi đó cầu về tín dụng sẽ vẫn ở mức thấp. Mặt khác, cả Fed và thị trường quốc tế đều đang kỳ vọng sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong 6 tháng còn lại của năm 2023. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD có thể sẽ còn giảm thêm.
Nhóm phân tích Techcombank dự báo: Tỷ giá sẽ biến động mạnh trong tháng 7 và chịu áp lực tăng thêm trong các tháng tới. Mức tăng của tỷ giá kỳ vọng sẽ quanh vùng 1% so với hiện nay, tức là tỷ giá USD/VND bình quân có thể lên cao nhất là 24.168 VND/USD vào tháng 10/2023 rồi sau đó giảm dần trong các tháng tiếp theo".
Huyền Anh