Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 2,85 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tài chính điện lực (EVN Finance; mã chứng khoán: EVF) là doanh nghiệp phát hành nhiều nhất với 1,725 tỷ đồng trái phiếu xanh riêng lẻ, chiếm 61% tổng giá trị.
Đặc biệt, EVF là tổ chức đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên nguyên tắc trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố. Đợt phát hành này nhận được bảo lãnh thanh toán một phần dài hạn với giá trị 50 triệu USD (tương đương tối đa 1.150 tỷ đồng) từ GuarantCo. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 6.75/năm.
Nửa đầu tháng 7 thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có sự xuất hiện của doanh nghiệp bất động sản |
Hai đợt phát hành còn lại đến từ VCB và BIDV: VCB phát hành 100 tỷ đồng trái phiều kỳ hạn 15 năm và BIDV phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm.
Tính từ đầu năm đến 15/7/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng đạt 8,996 tỷ đồng, giảm 6,14%, chiếm khoảng 5% tổng giá trị phát hành; giá trị phát hành TPDN riêng lẻ là hơn 172 nghìn tỷ đồng, giảm 33%, chiếm 95% tổng giá trị phát hành.
Như vậy, trong nửa đầu tháng 7, ngân hàng và công ty tài chính lại độc chiếm phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản sau khi dè dặt khởi động lại thị trường trái phiếu hai tháng qua, nay lại tiếp tục “án binh bất động”.
Trước đó, trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành TPDN. Trong tháng doanh nghiệp bất động sản đã phát hành với khối lượng phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành, đứng vị trí thứ 2 sau nhóm ngân hàng thương mại.
Bước sang tháng 6 các doanh nghiẹp bất động sản phát hành với trị giá 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán VNDIRECT, trong bối cảnh cơ quan quản lý thắt chặt hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuộc ngành bất động sản, giá trị phát hành của ngành này đang có dấu hiệu giảm mạnh và chiếm tỷ trọng thứ 3 với 11% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý II/2022. Tổng giá trị phát hành riêng lẻ của ngành bất động sản chỉ đạt 12.248 tỷ đồng, giảm 58,9% so với quý trước; giảm 78,2% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA (5.774 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.049 tỷ đồng), Công ty cổ phần Hội An Invest (1.000 tỷ đồng)…
Theo dự báo của VNDIRECT, trong quý III/2022, bất động sản sẽ là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,0% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 33.624 tỷ đồng, tăng 166,9% so với quý II/2022, tăng 252,3% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý III/2022 sắp tới bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty cổ phần Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).
Giới phân tích cho rằng, trái phiếu vẫn là dòng vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu vốn triển khai các dự án của doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt trong bối cảnh tín dụng ngân hàng đang bị kiểm soát chặt và Ngân hàng Nhà nước đã lên lộ trình cho việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng vào cuối năm nay.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành văn bản chấn chỉnh thị trường trái phiếu, trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thanh Hoa