Ngày 27/6, trong bản kiến nghị quý II/2024, các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học kinh tế Quốc dân kiến nghị một số giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù không còn được biết đến với vai trò là một loại tiền tệ, vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Việt Nam là một đất nước mà người dân có thói quen và nhu cầu cao về cất trữ, tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ vàng. Do đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã liên tục thay đổi các chính sách quản lý liên quan đến thị trường vàng để vận hành và điều tiết thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Các chuyên gia kiến nghị sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. |
“Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần giải quyết những tồn đọng và bất cập của chính sách quản lý thị trường vàng tại thời điểm đầu những năm 2000, khi thị trường này còn nhiều diễn biễn phức tạp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng cùng với những biến chuyển không ngừng của nền kinh tế, mục đích sử dụng hay đầu tư vàng của người dân cũng đã thay đổi, đòi hỏi Nhà nước cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng thông qua việc điều chỉnh những điểm chưa phù hợp của Nghị định trong bối cảnh thời đại mới”, nhóm chuyên gia đánh giá.
Các biện pháp được đề xuất gồm: giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng. Cụ thể, không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân. Sớm thay đổi, ban hành nghị định mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới bằng cách xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường; Xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu; Đưa ngành sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu vàng trang sức ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây.
Cùng với đó, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn. Cụ thể, cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. "Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng", các chuyên gia cho hay.
Phân tích thêm, nhóm nghiên cứu cho rằng đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Trong dài hạn, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề nghị phải thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư. Theo đó, chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và NHNN cần tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, nhiều tiềm năng để thu hút tài sản đầu tư của người dân chảy qua các tài sản và kênh đầu tư có lợi hơn. "Chỉ khi người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, nhưng thứ “ít nằm chết” hơn, sẽ thôi thúc lượng vàng trong dân chảy ra nền kinh tế", nhóm nghiên cứu cho hay.
Ngoài ra, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn 7 như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do Sở Giao dịch hàng hóa ban hành).
Đồng thời, cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF-Exchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa, sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng. ETF nếu được mua bán, tham gia các sản phẩm forward, futures, options trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có một vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá, giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Thanh Hoa