Tại Toạ đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" ngày 19/4, nhiều ý kiến chuyên gia nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam còn non trẻ, quy mô chưa lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm so với nhiều quốc gia khác. Do vậy, chắc chắn sẽ có kẽ hở. Nhận diện được kẽ hở sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để tương lai có thị trường lành mạnh, công khai, minh bạch.
Nhiều kẽ hở cần được bịt
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nay, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4-1,5 triệu tỉ đồng, 45% trong đó là vốn trung dài hạn. Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỉ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, vốn nhà nước chỉ chiếm 25%-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài.
Trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm chiếm 94,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. |
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, khi thị trường TPDN phát triển sẽ là kênh "chia lửa" hiệu quả cho ngân hàng. Kỳ vọng này hoàn toàn khả thi, bởi quy mô thị trường vốn của Việt Nam hiện khoảng 17,5% GDP, rất thấp so với Trung Quốc là 35,7% GDP, Hàn Quốc: 87% GDP; Singapore: khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP…
Thực tế, thời gian qua, nhu cầu phát hành TPDN ngày càng lớn. Dần dần thị trường phát triển theo hướng các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, uy tín kém hơn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng hoặc không muốn đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng, cũng chuyển sang vay nợ qua kênh trái phiếu.
Khi thị trường tăng trưởng “nóng” dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu “3 không” (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm). Tuy nhiên, theo Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM: "Ngoài "3 không" thì còn có cái "không" thứ tư, thứ năm khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm".
Trước tình trạng này, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 153 về TPDN để có khung pháp lý chuẩn hơn khắc phục những rủi ro, nguy cơ hiện nay cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách là cấp thiết để lành mạnh hoá thị trường. Song, cần nhìn nhận vai trò của thị trường trái phiếu để bắt đúng “bệnh”, chứ không phải vì một số trường hợp, vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội.
Trong năm 2021 và quý I/2022, tổng giá trị đăng ký phát hành TPDN là 919.308 tỉ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 750.317 tỉ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 710.685 tỉ đồng (chiếm 94,7%) và phát hành ra công chúng đạt 39.632 tỉ đồng.
“Thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh, chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính”, ông Lực nói.
Cần có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp
Đưa ra giải pháp để lành mạnh hoá thị trường TPDN, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. TS Lê Đạt Chí, trường Đại học Kinh tế TP HCM nêu vấn đề: Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân tìm được rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Chuyên gia này cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc, còn nếu khuyến khích thì ai là người trả phí cũng cần cân nhắc khi sửa đổi quy định. Bên cạnh đó, quy định Nghị định 153 hiện nay chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có Luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.
Còn theo ông Lực, cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… có thị trường TPDN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Còn ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra.
Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.
"Tuy nhiên, nếu đưa ra bài toán xếp hạng tín nhiệm mà chúng ta có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay thì phải làm sao? Do đó, bài toán này cần phải cân nhắc, cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Chưa kể, quy trình, thủ tục xét duyệt còn quá lâu, khi phát hành ra công chúng quy trình là đúng nhưng cần xem thời gian xét duyệt, quy trình thủ tục cần nhanh hơn, như 14 ngày hoặc 3 tuần, thay vì vài tháng hiện nay", ông Lực khuyến nghị.
Thanh Hoa