11 đơn vị tham gia đấu thầu là: HDBank, ACB, Eximbank, Techcombank, Doji, Sacombank, SJC, Phú Quý, MSB, PNJ, VPBank.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu số lượng là 34 lô, tương đương với 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng; Giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia phiên đấu thầu vàng miếng sáng ngày 23/4. |
Cụ thể, 9h sáng nay, phiên đầu thầu vàng miếng đã được tiến hành tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước - Ngân hàng Nhà nước.
Tổng khối lượng vàng miếng đưa ra đấu thầu ngày 23/4 là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng miếng là vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất.
Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,70 triệu đồng/lượng
Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu: 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu: 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu: 1 lô (100 lượng).
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.
Thanh Hoa