Đưa ra lưu ý với nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định TPDN là một kênh đầu tư, không phải kênh tiết kiệm. Việc chưa có sự phân biệt rõ ràng khiến cho không ít nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đã hành xử với TPDN tương tự như với khoản tiết kiệm ngân hàng. "Tôi cho rằng đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, cần giúp nhà đầu tư nhận biết rõ họ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đi kèm lợi ích là rủi ro có liên quan. Đầu tư TPDN hoàn toàn khác với gửi tiết kiệm ngân hàng", ông Ánh khẳng định.
![]() |
Việc lấy lại niềm tin cho thị trường TPDN là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường. |
Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, đứng trước tin đồn, điều đầu nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phân tích, đánh giá thông tin trước những tin đồn mang tính tiêu cực. Vì cơ bản các tin đồn không có căn cứ và gây rất nhiều thiệt hại, và thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư hoạt động theo tin đồn hay là theo hiệu ứng đám đông thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nhà phát hành, cũng như các nhà phân phối. Vô hình chung, khi tình hình chưa căng thẳng thì chúng ta lại đẩy nó vào căng thẳng, gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia thị trường.
Bên cạnh việc nhà đầu tư tự xử lý, việc có sự hỗ trợ của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức có uy tín, thì nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh chính thức để có thông tin giúp họ ra quyết định một cách phù hợp và đảm bảo lợi ích.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những điều đang xảy trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là hiện tượng bond run (nhà đầu tư rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức).
Để ngăn chặn tình trạng bond run, theo ông Ánh cần có các cơ quan quản lý tương tự như với thị trường tín dụng, ngân hàng để chống lại. Thực tế chục năm vừa qua, một số trường hợp mà cơ quan Nhà nước đã đứng ra ngăn chặn tác động tiêu cực liên quan tới tin đồn có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động, thanh khoản của một số tổ chức tín dụng.
Có hệ thống quản lý như vậy, cộng với pháp lý thì chúng ta mới có cơ sở, căn cứ để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường và đặc biệt để đối phó rủi ro mang yếu tố tâm lý, hay hiệu ứng đám đông mà nhà đầu tư phải đối mặt. Ví dụ như bàn về bảo lãnh phát hành hành, bảo lãnh thanh toán thì tôi cũng thấy hao hao giống bảo hiểm tiền gửi với hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, đó không phải toàn bộ vấn đề. Các tin đồn có thể tác động lớn hơn rất nhiều, cần hệ thống để giúp nhà đầu tư có niềm tin, để niềm tin có căn cứ thì các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần đặt ra thể chế, bao gồm quy định pháp lý, bộ máy, cũng như biện pháp chống lại hiện tượng bond run.
Chia sẻ về những vấn đề đặt ra trên thị trường TPDN hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. Vì vậy, cần có giải pháp điều chỉnh, hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Cũng theo Bộ trưởng, ở bất kỳ một thị trường nào, bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thông qua khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm nghiêm minh thì quan trọng hơn hết vẫn là nhận thức, trách nhiệm và tính tuân thủ của các đối tượng tham gia thị trường.
Theo đó, trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chủ thể phát hành. Cùng đó là trách nhiệm của chính nhà đầu tư tham gia, cùng nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức… để tham gia thị trường an toàn, hiệu quả. Trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ.
“Niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt trên thị trường TPDN. Thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.
Thị trường TPDN rất tiềm năng và cần tạo điều kiện để phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Dù không đại diện cho toàn thị trường, nhưng những sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ thời gian qua đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào kênh TPDN. Do vậy, việc lấy lại niềm tin cho thị trường cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Để lấy lại và củng cố niềm tin trên thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đến tính hoàn thiện hơn về khung khổ pháp lý, khi Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.
“Với nhiều điểm mới, theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia. Chính sách mới sẽ cần thời gian để thị trường làm quen, nhưng đây là cơ hội để thị trường sàng lọc, “gạn đục, khơi trong” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp chân chính”, Bộ trưởng Phớc nói.
Thanh Hoa