Chị Lan Anh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay, đầu tuần này, chị mang 1 lượng vàng miếng ra cửa hàng SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) để bán nhưng bị từ chối mua. Nhân viên tại đây cho biết, vàng của chị là loại "một chữ" và công ty đang chủ trương dừng mua loại này và vàng móp méo.
Theo chị Lan Anh, 1 lượng vàng miếng này được gia đình chị mua từ năm 1995, đến nay cần tiền nên có nhu cầu bán.
Trường hợp của chị Lan Anh không phải cá biệt. Mấy ngày gần đây, nhiều người nắm giữ vàng miếng "một chữ" (seri có một ký tự chữ nằm trước dãy số, được sản xuất trước năm 1996) lo lắng vì bị Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) từ chối mua vào.
“Số vàng này, chúng tôi tích cóp, dành dụm mua được từ rất lâu. Nay không bán lại được thì không biết phải làm sao”, chị Lan Anh bày tỏ.
Những ngày qua, nhiều khách hàng phản ánh bán vàng miếng SJC loại "một chữ" hay vàng móp méo đều bị từ chối mua vào. |
Ngày 2/8, chia sẻ với báo chí, đại diện Công ty SJC cho biết: Trước đây, khi thu đủ khoảng 1.000 lượng, công ty sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được gia công rồi sau đó cho giao dịch trở lại thị trường. Nhưng hiện nay, lượng tồn kho đã vượt 1.000 lượng mà chưa được cấp quota dập vàng nên công ty phải tạm dừng thu mua các loại này.
“Hiện, công ty đang chờ đợi NHNN cấp phép cho gia công trở lại số vàng móp méo, vàng “một chữ”. Khi công ty được cấp phép gia công lại thì sẽ mua bán bình thường”, đại diện SJC cho hay.
Vàng miếng SJC "một chữ" được xác định là vàng cũ, sản xuất trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Sau khi vàng SJC được công nhận là thương hiệu vàng quốc gia, công ty đã sản xuất vàng SJC có 2 chữ cái trước dãy số seri. Về chất lượng hai loại vàng này không khác biệt.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng quy định rõ "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng". Do đó, từ sau khi có Nghị định 24, Nhà nước thông qua NHNN độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu…, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả Công ty SJC. Mỗi năm, Công ty SJC sẽ thu mua vàng miếng móp méo trên thị trường và xin cấp phép gia công lại rồi bán trở lại thị trường từ NHNN.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu, Công ty SJC ngừng thu mua loại vàng miếng "một chữ". Tình trạng này đã từng xảy ra vào các năm 2012, 2015 và đầu năm 2016, khi hạn mức gia công vàng đã hết và với lượng tồn kho vàng "một chữ" cũng như vàng móp méo lớn, Công ty SJC đã thông báo tạm ngưng thu mua vàng miếng loại "một chữ" và vàng móp méo. Sau đó, khi NHNN cho phép Công ty SJC được gia công vàng miếng, hoạt động thu mua vàng miếng SJC loại "một chữ" mới trở lại bình thường.
Tại họp báo hồi giữa tháng 5, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC thông tin, theo Nghị định 24, công ty không được dập vàng miếng từ vàng nguyên liệu. Toàn bộ khuôn dập được giao về NHNN quản lý. Doanh nghiệp này chỉ được dập lại vàng móp méo theo hạn ngạch được cấp hằng năm. Lãnh đạo SJC cũng nhiều lần cho biết việc xử lý vàng móp méo được NHNN quản chặt chẽ trong tất cả khâu, cử tổ giám sát đến đối chiếu trước khi SJC mở khuôn để dập vàng móp.
Giới phân tích cho rằng Nghị định 24 đạt được nhiều kết quả trong việc ổn định thị trường vàng, tuy nhiên qua thời gian dài đã bộc lộ một số bất cập. Do đó, cơ quan quản lý cần sửa đổi Nghị định 24, trong đó có tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC. NHNN vẫn nắm quyền chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất cho các doanh nghiệp, căn cứ trên mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Thanh Hoa