Nỗ lực kéo giảm lãi suất của nhà điều hành trong thời gian qua là đáng ghi nhận và thực tế đã góp phần đưa lãi suất tiền gửi giảm đáng kể từ đầu năm đến nay, và kế tiếp là lãi suất cho vay đã giảm thực chất hơn. Dù vậy, xu hướng lãi suất tiền đồng liên tục đi xuống gần đây, trong khi lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn neo cao, đã làm dấy lên lo ngại về các hoạt động đầu cơ tỷ giá có thể quay trở lại.
Lãi suất tiền đồng liên tục giảm, USD neo cao
Từ đầu tháng 8 đến nay, thêm một loạt ngân hàng thương mại giảm lãi suất tiền gửi. Trên thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại cổ phần tùy loại kỳ hạn. Mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức cũng đã giảm về khoảng 6,2% - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng - giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,3% tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đến 6,4% - 7,0% tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và vào khoảng 7,2% - 7,6% tại nhóm còn lại.
Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới 4,85% đang kích thích hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá. |
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) thậm chí còn giảm sâu hơn. Cập nhật gần nhất đến ngày 15/8, lãi suất vay mượn kỳ hạn qua đêm bằng VND chỉ còn 0,22%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 0,45%/năm, 2 tuần là 0,65%/năm.
Nếu so với mức từ 4-7%/năm tùy theo kỳ hạn ở thời điểm đầu tháng 6, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã trượt một bước dài sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ ngày 19/6/2023.
Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD lần lượt ở mức 5,07%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 5,14%/năm và 2 tuần là 5,23%/năm.
Như vậy, mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên tới 4,85% đang kích thích hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá, cộng với nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD, buộc các cơ quan quản lý, điều hành phải quan tâm nhiều hơn.
Các chuyên gia lo ngại sự đảo chiều xu hướng lãi suất tiền đồng giảm so với lãi suất USD trong những tuần gần đây và chênh lệch lãi suất vay mượn giữa hai đồng tiền này ngày càng mở rộng có thể kích thích các ngân hàng tích cực vay tiền đồng ngắn hạn rồi chuyển đổi sang USD để cho vay lại.
Việc này vừa nhằm ăn chênh lệch lãi suất, vừa "lướt sóng" tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, từ đó có thể hỗ trợ cho USD trên thị trường quốc tế.
Thực tế, thanh khoản trung bình ngày trên thị trường đạt 186 nghìn tỷ đồng - cao gần gấp 2 so với giai đoạn 2020-2021. "Điều này cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn khá tích cực sử dụng kênh liên ngân hàng nhằm tài trợ cho nguồn vốn ngắn hạn", các chuyên gia Công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Tỷ giá tăng "sốc", đâu là điểm dừng?
Tuần trước, trên thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá USD giao dịch quanh vùng 23.750 VND/USD với tỷ giá liên ngân hàng và 23.900 VND/USD với tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, tỷ giá bật tăng trở lại trong phiên đầu tuần này, khi mặt bằng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm. Theo cập nhật của VnBusiness, trong phiên 14/8, tỷ giá trung tâm tăng thêm 11 đồng, và trong phiên 15/8 được NHNN công bố ở mức 23.881 VND/USD, tăng thêm 33 đồng. Như vậy, chỉ tính trong 2 phiên này, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 44 đồng.
Ngày 15/8, Sở giao dịch NHNN niêm yết tỷ giá mua vào - bán ra ở mức 23.400 - 24.990 VND/USD. Tại các ngân hàng, USD bán ra đã vượt 24.000 VND/USD. Theo đó, USD bán ra tại Vietcombank là 24.035 VND/USD, tại BIDV là 24.010 VND /USD…
So với đầu năm, tỷ giá đã tăng 1,17%, còn so với thời điểm đáy của năm nay, tỷ giá đã tăng 1,65%. NHNN hiện tại đang ưu tiên các chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Ngày 15/8, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
Tụy nhiên, theo giới phân tích, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng chưa đến mức đáng ngại, khó có thể khiến NHNN đảo chiều chính sách. Tuy vậy, cầu USD gia tăng do yếu tố mùa vụ cuối năm buộc nhà điều hành phải cẩn trọng. Nếu tỷ giá tiếp tục diễn biến theo hướng này, kỳ vọng về việc NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ khó xảy ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích SSI, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá USD/VND trong quý III/2023. Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ tích cực (cán cân thương mại 7 tháng đầu năm thặng dư hơn 16 tỷ USD) được kỳ vọng sẽ giúp tiền đồng ổn định trở lại vào cuối năm.
Huyền Anh